Văn hóa cơ sở

Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng vùng bán sơn địa

Thạch Thất là một huyện vùng bán sơn địa, đời sống nhân dân còn khó khăn. Sau tháng ngày lao động vất vả, nhiều người đã tìm đến lời ca, tiếng hát cho cuộc sống thêm vui. Phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trên địa bàn huyện Thạch Thất vì thế ngày càng phát […]

Thạch Thất là một huyện vùng bán sơn địa, đời sống nhân dân còn khó khăn. Sau tháng ngày lao động vất vả, nhiều người đã tìm đến lời ca, tiếng hát cho cuộc sống thêm vui. Phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trên địa bàn huyện Thạch Thất vì thế ngày càng phát triển. Việc khơi dậy hoạt động văn nghệ quần chúng đã tạo sân chơi giải trí lành mạnh trong nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hoi dien nghe thuat quan chungHội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Thạch Thất năm 2015.

Hiện, 23 xã, thị trấn của huyện Thạch Thất đều có câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ, mỗi đơn vị khoảng 20-25 thành viên tham gia. Các diễn viên, nhạc công đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ các cháu mầm non giọng còn hơi sữa đến các cụ già râu tóc bạc phơ, từ những người nông dân tay cày, tay cấy quen cảnh nắng mưa, ruộng đồng đến những cán bộ, công chức, viên chức nhiệt tình, trách nhiệm. Với niềm đam mê nghệ thuật, khi bước lên sân khấu họ cất cao lời ca, tiếng hát bằng cả trái tim về tình yêu quê hương, đất nước. Mỗi tiết mục văn nghệ quần chúng luôn đậm chất “cây nhà lá vườn”, trong sáng giản dị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Nhiều đội đã tự đầu tư các thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang phục và nhạc cụ biểu diễn, chủ động sáng tác kịch bản, đạo diễn, dàn dựng tiết mục, nổi bật là các xã Phú Kim, Đại Đồng, Bình Yên, Thạch Hòa, thị trấn Liên Quan. Vào các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, các xã còn chủ động tổ chức hội thi văn nghệ để các thôn giao lưu, giải trí khiến không khí ngày lễ, kỷ niệm thêm phần ý nghĩa.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm Trung tâm Văn hóa huyện Thạch Thất đều tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng để tăng thêm tình đoàn kết giữa các địa phương, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung hạt nhân cho phong trào. Điển hình như, chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thất lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015-2020, Trung tâm Văn hóa đã tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng thu hút 500 diễn viên, nhạc công ở mọi lứa tuổi, với trên 80 tiết mục tham gia gồm hát chèo, cải lương, dân ca quan họ, ca mới và tiểu phẩm về xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa…tạo sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tại Trung tâm luôn duy trì một đội văn nghệ xung kích khoảng 70 thành viên chuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của huyện, các chương trình văn nghệ vào các ngày lễ, tết, phục vụ hội nghị cơ quan, ban ngành theo ngành dọc. Một số hạt nhân tiêu biểu có đóng góp cho phong trào như anh Cấn Xuân Vinh (Trung tâm Văn hóa) – nhạc công, đạo diễn, ca sĩ, dẫn chương trình; anh Trần Quang Minh – giáo viên âm nhạc trường THCS Thạch Thất; anh Trần Duy Hưng – trường THCS Hạ Bằng; Nguyễn Thị Bích Hồng, Nguyễn Văn Dũng – đội chèo Canh Nậu; Khương Xuân Đảng, Thúy Tần – đội chèo Chàng Sơn; nghệ sĩ Văn Vẻ – người “giữ lửa” cho bộ môn nghệ thuật chèo Thạch Thất thăng hoa…Không chỉ các xã, thị trấn mà các doanh nghiệp đóng trên địa bàn như Công ty Đá ốp lát Vinaconex, Công ty TNHH Bắc Phương, Công ty may Bình Yên cũng thành lập đội văn nghệ.

Doi van nghe Tien XuanĐội văn nghệ xã Tiến Xuân tích cực luyện tập.

Ở Thạch Thất, 3 xã miền núi (Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung) có đồng bào dân tộc Mường sinh sống đã duy trì được đội văn nghệ cồng chiêng. Nếu như năm 2008 khi mới sáp nhập về Hà Nội, 3 xã chỉ có 7 đội cồng chiêng thì đến năm 2015 có 13 đội. Để bảo lưu vốn văn hóa của người Mường, hàng năm Trung tâm Văn hóa đã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện mở các lớp tập huấn cồng chiêng và hát dân ca. Vào dịp tết truyền thống người Mường, Trung tâm Văn hóa phối hợp với Trung tâm TDTT huyện tổ chức hội thi ném còn, bắn nỏ, kéo co vào ban ngày và biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, hát các làn điệu dân ca bản Mường vào buổi tối. Điểm nhấn làm cho phong trào văn nghệ của huyện thêm phần phong phú còn có sự đóng góp tích cực của các đội kèn đồng. Trên địa bàn huyện có 5 đội kèn đồng của các làng công giáo và 1 đội kèn đồng thôn 3 xã Canh Nậu của bên lương. Chỉ vì yêu thích tiếng kèn, người dân nơi đây tự đóng góp kinh phí thuê người về dạy để phục vụ đám hiếu, dịp tết và tham gia Liên hoan kèn đồng các làng công giáo do huyện tổ chức, góp phần đáng kể vào sự phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của Thạch Thất hôm nay.
Để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động VNQC, thời gian tới, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Trung tâm Văn hóa huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ văn nghệ về đạo diễn, nhạc công, biểu diễn sân khấu cho cơ sở; chú trọng khôi phục, dàn dựng các làn điệu chèo cổ của địa phương; quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng câu lạc bộ văn nghệ; thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn giữa các làng, xã và huyện để các đội văn nghệ có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau; tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động văn nghệ…đưa văn nghệ quần chúng huyện Thạch Thất trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.

Sông Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *