Ngày 22/9, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức diễn đàn trực tuyến toàn quốc “Tác động của đại dịch Covid-19, hành động quyết liệt của ngành văn hóa, thể thao, du lịch”. Diễn đàn đã kết nối từ Hà Nội và 63 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành cả nước với hơn 1.800 đại biểu tham dự. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị.
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên cả nước, làm ảnh hưởng đến nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, các chương trình vui chơi, giải trí tập trung đông người phải dừng tổ chức để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường sụt giảm nguồn thu dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản. Các bảo tàng, thư viện tại 63 tỉnh, thành phố, các hoạt động dịch vụ, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích cơ bản phải dừng lại, đóng cửa không phục vụ.
Điện ảnh Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, tổng doanh thu giảm mạnh, năm 2021 ước đạt 1.156 tỷ đồng, giảm 70-80% so với năm 2019. Các dự án sản xuất phim hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hầu hết không thể triển khai. Từ 21/7/2021, công tác thẩm định và phân loại phim truyện chiếu rạp đã tạm dừng. Hoạt động văn hóa đối ngoại, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tại nước ngoài, các hoạt động giao lưu hợp tác văn hóa trong nước, hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm gần như “đóng băng”. Đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không thể hoạt động, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đã bị gián đoạn, hầu hết các sự kiện thể thao đều phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh. Việc không tổ chức được các giải thể thao quốc gia đã ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của các đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao tỉnh, thành, ngành. Nhiều vận động viên phải ngưng tập huấn, trở về địa phương. Đặc biệt, việc dừng tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chuyên môn và gây nhiều khó khăn về tài chính cho các câu lạc bộ bóng đá. Hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao liên tục phải tạm dừng để thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị sự nghiệp, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp không có nguồn thu để duy trì hoạt động của đơn vị.
Lượng khách du lịch sụt giảm nhiều, tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch. Trong 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5 % so với cùng kỳ 2020.
Trong tình hình khó khăn, Bộ đã kịp thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 Tính đến nay, đã có 3.027 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, 2.741 hồ sơ đạt yêu cầu; 619 viên chức hoạt động nghệ thuật của 42/63 tỉnh, thành phố đã nhận hỗ trợ. Tổng số tiền hỗ trợ của Bộ là 10,17 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đã có sự đổi mới trong cách thức tổ chức, thông qua các nền tảng công nghệ số và mạng xã hội mang đến “liều vắc xin tinh thần” phục vụ, cổ vũ Nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng, nhân lên thành sức mạnh mềm của văn hóa. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia, quyết tâm, hoàn thành nhiệm vụ đã lan tỏa, phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để giảm rủi ro, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch chưa thực sự hưởng lợi trực tiếp từ những chính sách đã được ban hành như chích sách giảm thuế, giảm tiền thuê đất, miễn giảm lãi vay ngân hàng, giảm phí thẩm định giấy phép kinh doanh, thiếu chính sách hỗ trợ lao động trong ngành điện ảnh…
Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến của các Tổng cục, Cục trực thuộc, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19; những cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo để phát triển ngành trong bối cảnh “bình thường mới”.
Tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Hà Nội về phương án tổ chức các hoạt động văn hóa trong điều kiện bình thường mới. Bà Trần Thị Vân Anh cho biết, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực chưa từng có trong tiền lệ lên nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Trong gần 2 năm qua, tại các Thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước, hầu hết thời gian đỉnh dịch, các di tích danh thắng, các nàh hát, rạp chiếu phim đều phải đóng cửa; Các buổi biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, hoạt động, sự kiện văn hoá đều phải dừng hoặc huỷ bỏ. Doanh thu của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn TP Hà Nội giảm tới 90%. Một số đơn vị trước địa dịch là đã thực hiện tự chủ tốt thì nay chịu nhiều tác động tiêu cực và gặp khó khăn như Nhà hát Múa rối Thăng Long (năm 2019 doanh thu đạt 54 tỷ đồng thì trong 2 năm 2020, 2021 nhà hát đã phải đóng cửa). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn TP Hà Nội phải đóng cửa, dừng hoạt động; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bị ảnh hưởng nặng nề…
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội vẫn đảm bảo thực hiện các hoạt động chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác ngành. Qua thời gian triển khai thực hiện, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ VHTTDL, Thành uỷ, UBND Thành phố, Sở VHTT Hà Nội đã thường xuyên cập nhật thông tin chỉ đạo để cụ thể hoá việc chỉ đạo của Ban giám đốc Sở đối với lĩnh vực hoạt động của ngành; phối hợp công tác phòng chống dịch với công tác quản lý nhà nước, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với từng thời điểm. Sở đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản hoạt động trong từng lĩnh vực, quy mô, đảm bảo tốt các điều kiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, Sở đã chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến đảm bảo các nhiệm vụ được triển khai hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ; xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu xuất hiện trong thực tế hoạt động khi dịch bệnh xuất hiện…
Trong thời gian tới, nhằm triển khai tốt các hoạt động văn hoá trong điều kiện bình thường mới, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đã đưa ra những giải pháp nhằm phục hồi việc tổ chức các hoạt động Văn hoá – Thể thao trên địa bàn trong thời gian tới, trong đó tập trung vào một số giải pháp như: rà soát các dnah mục hoạt động Văn hoá – Thể thao trong 3 tháng cuối năm 2021 và năm 2022; xây dựng phương án đảm bảo an toàn trong các hoạt động VHTT trong từng giai đoạn (giai đoạn nguy cơ rất cao – nguy cơ cao – nguy cơ – bình thường mới); Chủ động chuẩn bị các điều kiện tổ chức các hoạt động VHTT đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động đồng thời đảm bảo phòng chống dịch theo từng giai đoạn; tăng cường công tác giám sát việc tổ chức các hoạt động VHTT theo nguyên tắc “An toàn mới Tổ chức – Tổ chức thì phải An toàn”.
Đối với các Nhà hát, Sở tiếp tục chỉ đạo triển khai dàn dựng chương trình để phục vụ việc biểu diễn online, biểu diễn trên kênh truyền hình, biểu trực tiếp (trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát). Triển khai các hoạt động văn hoá – nghệ thuật, các cuộc thi, liên hoan bằng hình thức thi online, quay clip… Đối với công tác huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, Sở chỉ đạo thực hiện mô hình 3 lớp.
Bên cạnh đó, Sở VHTT Hà Nội cũng sẽ tiếp tục tham mưu Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố về cơ chế hỗ trợ cac doanh nghiệp, cá nhân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tổ chức các hoạt động văn hoá – nghệ thuật trong tình hình mới… Tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao trên địa bàn Thành phố, đa dạng hoá các hình thức tổ chức, sáng tạo trong việc thực hiện. Khẩn trương cụ thể hoá các nhiệm vụ do Bộ VHTTDL chỉ đạo trong 3 tháng cuối năm 2021 với 4 khâu đột phá “Thể chế – Thiết chế – Nguồn nhân lực – Chuyển đổi số”.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị bám sát chức năng, nhiệm vụ tham mưu xây dựng thể chế, chủ động rà soát lại các bộ luật, thông tư… liên quan đến lĩnh vực của ngành để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý tốt hơn. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đặc biệt xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa gia đình. Phát huy hiệu quả mô hình nhà hát online, sân khấu online để tăng cường giáo dục, tuyên truyền lịch sử, văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, trong đó ưu tiên dồn sức, góp lực, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần sẻ chia để cùng cả nước vượt qua đại dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, thí điểm triển khai mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Bên cạnh đó, hiện ngành đang tập trung vào một số giải pháp, hoạt động như: Đề xuất xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung triển khai Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Tập trung tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam; Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022…
Vy Vy