Thư viện

Tái bản cuốn ‘Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân”

​​​ Cuốn sách của tác giả Gérard Le Quang, xuất bản tại Pháp năm 1973, được Thái Hà Books và Nxb Thế giới độc quyền ấn hành tại Việt Nam qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Sự. Đây là lần tái bản thứ 2 của cuốn sách nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2015).

 


Cuốn sách gồm 16 chương tái hiện hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một chàng sinh viên trường Luật, rồi hoạt động cách mạng bí mật trở thành đại tướng cầm quân. Tại chiến khu Việt Bắc, lắng nghe những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, số phận đã đưa ông đi mãi trong cuộc đời binh nghiệp.

Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân là tác phẩm của tác giả Gérard Le Quang, một Việt kiều yêu nước, bằng sự yêu mến của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện cuốn sách trong lúc cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam chưa hoàn thành. 

 

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944.

Dịch giả Nguyễn Văn Sự (vừa mới qua đời ngày 27/1/2015) – người đã dịch một số cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển ngữ cuốn sách này từ lâu. Ông tìm được bản photo cuốn sách tại thư viện Quân đội, thật sự ấn tượng với nội dung cuốn sách viết về Đại tướng, tác giả đã dịch sang tiếng Việt. 

Phía nhà xuất bản Les Edition Denoel cho hay cuốn sách xuất bản từ quá lâu, từ 1973 và họ cũng mua đứt bản quyền sách nên hiện không còn lưu giữ thông tin về tác giả Gérard Le Quang. Một số thông tin từ internet cho biết Gérard Le Quang là một phóng viên, đồng thời ông cũng là tác giả cuốn Chiến tranh Đông Dương của Mỹ.

 Tướng Giáp là một trong những vị tướng hiếm hoi, không qua một trường lớp đào tạo chính quy nào đã được đề cử thẳng lên đỉnh cao của hệ thống chỉ huy quân sự. Sự hiểu biết về quân sự của ông không phải được học ở một học viện quân sự nào mà được tích lũy qua kinh nghiệm thực tế trên chiến trường. 

Võ Nguyên Giáp lẽ ra có thể trở thành bác sĩ, thầy giáo hay luật sư. Cũng như bao thanh niên Việt Nam đương thời, ông đã có thể có một cuộc sống phẳng lặng từ những chiếc ghế ở trường học đến các quán cà phê ở khu phố Latinh, rồi trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, dễ dàng có  một công việc xứng đáng trong bộ máy chính quyền thuộc địa. Ông có thể cùng với “đám bạn bè có học thức” tham gia họat động yêu nước trong những chính đảng theo chủ nghĩa quốc gia, rối cuối cùng, ông có thể trở thành bộ trưởng trong chính quyền Sài Gòn hoặc định cư lâu dài tại Paris.

Con đường ông đã chọn không phải con đường dễ nhất. Nhiều người Việt Nam quen biết ông đã khẳng định điều này. Đúng là ông đã không thật sự chọn đường đi cho mình mà lịch sử đã chọn cho ông. Một số người giải thích rằng, ông đã biết – chắc hẳn là hơn những người khác – được những yêu cầu đúng lúc của đât nước. Người ta cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh kéo dài trên 25 năm, đã tuyển mộ nhiều người vào quân ngũ khiến họ phải đau khổ, hy sinh…

Sự thật như thế nào? Ở tuổi 30, ông chỉ huy một toán người cầm súng, nhưng chưa phải là một quân đội thật sự; ở tuổi 35, ông trở thành Bộ trưởng của một chính phủ chưa được nước nào trên thế giới công nhận; ở tuổi 44, ông đã giành được một chiến thắng có tính quyết định trong cuộc đọ sức với đội quân viễn chinh Pháp.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn trưởng Thái Dũng (hàng dưới, bên trái ảnh) và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã (bên phải) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch Biên giới 1950.

Đối với người châu Âu, Võ Nguyên Giáp, trước hết là người chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Ngày mồng 7/5/1954 những người nông dân mặc áo lính đã cắm lá cờ đỏ sao vàng trên vị trí trung tâm của pháo đài Pháp tại Tây Bắc, chấm dứt 8 năm chiến tranh và báo hiệu sự kết thúc của một đế quốc. Đối với người Mỹ, Võ Nguyên Giáp là đối thủ của họ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, cuộc chiến kéo dài trên 10 năm, thách thức sức mạnh của họ ở châu Á.  

Võ Nguyên Giáp, đó cũng là một bí ẩn với những hình ảnh về ông được nêu ra chỗ này, chỗ khác: người chỉ huy của những người lính da vàng bé nhỏ, chân đi dép cao su kiểu Hồ Chí Minh, đầu  đội mũ nan…, là một người ham đọc tác phẩm của Clausewitz … là người khâm phục Napoléon và Cách mạng Pháp… Trên hết đó là một con người ít xuất hiện nên người ta ít hiểu biết về ông.
Thật khó mà hiểu được điều gì đang xảy ra từ hơn hai thập kỷ qua ở Đông Nam Á nếu người ta không biết rõ những con người đã làm nên cuộc cách mạng Việt Nam. Chắc chắn rằng, trước hết đó là kết quả của một sự nghiệp được thực hiện bởi một ê-kíp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo. Một số người đã mang dấu ấn sâu sắc của ê-kíp đó. Tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số đó…

(Lời tựa của cuốn Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân)
Tô Thúy Nga/maskonline


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *