Đó chính là điểm nhấn khác biệt của Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 so với những năm trước.
Với chủ đề “Hà Nội – Tinh hoa nghề truyền thống” Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, từ 29/9 đến 2/10 sắp tới. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2016), hưởng ứng “Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2016”; triển khai Kế hoạch số 02 ngày 5/1/2016 của UBND thành phố về phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2016 và Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 31/08/2016 của UBND Thành phố về việc tổ chức Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016. Liên hoan được kỳ vọng sẽ là hoạt động văn hóa, du lịch góp phần giới thiệu, bảo tồn, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch của TP Hà Nội cũng như của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Khác với những năm trước, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 nhấn mạnh tới việc tái dựng những không gian làng nghề, nhằm đem đến cho khách tham quan những cảm nhận chân thực nhất về các nghề truyền thống tiêu biểu.
Cụ thể, không gian Liên hoan sẽ gồm các khu vực chính: Khu tái hiện không gian làng nghề sẽ tái hiện không gian làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng; Khu thao diễn tay nghề được chia làm 7 khu với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ 7 làng nghề tiêu biểu; Khu triển lãm ảnh và tư liệu các làng nghề truyền thống; Khu không gian nghệ thuật sắp đặt từ các sản phẩm làng nghề, phố nghề.
Trong đó nổi bật nhất là mô hình tái hiện lò bầu nung gốm cổ truyền của làng Bát Tràng. Mô hình lò bầu được thiết kế với tỉ lệ 1/1, có chiều dài 15m. Mô hình này cộng hưởng với nghệ thuật sắp đặt sẽ khiến khách tham quan có cảm giác như được đến với lò gốm tại làng cổ Bát Tràng.
Với làng lụa Vạn Phúc, ngoài mô hình tái hiện cổng làng, khung cửi, cảnh kéo tơ, các loại máy móc dệt lụa, Ban Tổ chức sẽ tái dựng cả không gian trồng dâu để mọi người có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa…
Cũng tại khu vực quảng trường Đoan Môn thuộc Hoàng thành Thăng Long, bảy nghề tiêu biểu của Hà Nội sẽ được các nghệ nhân trình diễn như: làm nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, làm đèn Trung thu…
Bên cạnh đó là gần 250 gian hàng, bao gồm: Khu làng nghề và các doanh nghiệp nghề truyền thống của Hà Nội với 60 gian hàng của 40 đơn vị tham gia; Khu Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao & du lịch các tỉnh, thành phố gồm 40 gian hàng của 22 tỉnh thành trên cả nước về tham gia; Khu doanh nghiệp du lịch và các nhà tài trợ gồm 50 gian hàng của 32 đơn vị tham gia; Khu quảng bá du lịch Hà Nội với 5 gian hàng; Khu gian hàng Làng nghề cả nước với Hà Nội với 63 gian hàng dành cho các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và các doanh nghiệp đến từ các làng nghề, phố nghề của 11 tỉnh thành trên cả nước; Khu ẩm thực với 30 gian hàng.
Lễ khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 29/9/2016 tại sân khấu chính – Quảng trường Đoan Môn (Hoàng thành Thăng Long). Cũng trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra hội thảo với chủ đề “Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế”; chương trình gặp gỡ giữa Hiệp hội Du lịch Hà Nội với Hiệp hội Du lịch các địa phương trong cả nước; tổ chức lễ rước tôn vinh các vị tổ nghề, các nghệ nhân nghề; các chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp cùng các sản phẩm nghề truyền thống.
Đây cũng là dịp để các làng nghề, các doanh nghiệp nghề truyền thống, các doanh nghiệp du lịch giao lưu, hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm nghề truyền thống và nhiều lĩnh vực khác. Liên hoan cũng là nơi tạo cơ hội để giới thiệu tinh hoa ẩm thực, nét tinh tế trong chế biến, trình diễn các món ăn truyền thống, đặc sắc của mọi miền Tổ quốc với người dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Bảo Hân
Theo MaskOnline