Theo lãnh đạo phường Vạn Phúc, Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông năm 2018 lớn cả về quy mô và chất lượng phục vụ du khách đến tham quan mua sắm. Phát huy giá trị truyền thống Theo ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND […]
Theo ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018 có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Cả 2 phần đều có quy mô lớn với số người tham dự vượt trội và các đơn vị tham gia mang đến chất lượng cao các sản phẩm, dịch vụ.
Theo đó, đối với phần lễ, năm nay Vạn phúc huy động gần 1000 người tham gia rước lễ trong ngày đầu khai trương Tuần lễ với chủ đề “Vạn Phúc dấu xưa”, tôn vinh Tổ nghề dệt và tôn vinh những giá trị lịch sử, truyền thống văn hoá Việt Nam…
Ông Kiều Thanh Hải, Trưởng ban tuyên truyền thông tin Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018, cho biết: Phần lễ rước chia làm 3 khối. Tất cả các khối rước và hoạt động văn hoá, nghệ thuật tại đây đều có những nét mới, hoặc mới hoàn toàn chưa bao giờ tổ chức. Khối rước đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống cách mạng của quê hương Vạn Phúc bằng việc rước Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhằm giới thiệu với Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về lịch sử Di tích cách mạnh Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc khánh chiến năm 1945.
Khối rước tân binh rước Thành hoàng làng và sắc phong. Khối rước tôn vinh Tổ nghề, bao gồm: Khung dệt cổ, chị em mặc áo dài gánh lụa, nhằm giới thiệu đến mọi người dân và du khách về nghề dệt lụa truyền thống xưa và những nét đổi mới kết hợp giữa hiện đại và truyền thống trong nghề dệt tại ra những sản phẩm lụa chất lượng cao, vẫn giữ được nét truyền thống xưa.
Suốt trong Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018, diễn ra chương trình múa rồi nước, ca nhạc hát quan họ, hát chầu văn tại sân đình với nhiềunghệ sỹ, ca sỹ, ca nương nổi tiếng được mời tham gia. Đây cũng là cách Vạn Phúc giới thiệu, tôn vinh những nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, trong đó có di sản văn hoá phi vật thể đã được Unesco công nhận đến công chúng trong nước và quốc tế.
Thúc đẩy du lịch thương mại
Theo ông Kiều Thanh Hải, Vạn Phúc đã tuyên truyenf sâu rộng đến mọi người dân, những gia đình làm nghề dệt lụa thực hiện trang trí lại cửa hàng, bày bán lụa Vạn Phúc đúng giá trị, chủng loại, không bán hàng giả, hàng nhái, niêm yết công khai giá và có khuyến mại hướng ứng tháng khuyến mại của TP Hà Nội.
Bà Đỗ Thị Bích, chia sẻ: Chúng tôi đã chuẩn bị cho ra những mặt hàng mới chưa có trên thị trường, trang trí cửa hàng khang khang đẹp hơn; giảm giá bán cho khách hàng tất cả các sản phẩm. Các hộ kinh doanh chúng tôi mong muốn được quảng bá đến du khách trong cả nước và quốc tế biết đến làng nghề Vạn phúc với nghề dệt nghìn năm tuổi.
Ông Đặng Quang Hải, chia sẻ: Tại Tuần lễ năm nay, Vạn Phúc tổ chức phổ ẩm thực, giới thiệu các món ngon đồng quê. Trong đó không thế thiếu đặc sản món ngon thịt trâu Hà Đông. Đặc biệt, tại đây không thể thiếu 2 phố là: Hoa – sinh vật cảnh và phố đồ cổ – đồ xưa. Đây là 2 tuyến phố nghề đã hình thành ở Hà Đông được nhiều năm nay. Tuy nhiên, tại Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề, Vạn Phúc đã mời gọi nhiều nghệ nhân trồng hoa – sinh vật cảnh nổi tiếng ở Hà Nội và các tỉnh hội tụ về đây để trưng bày những sản phẩm cây độc đáo, có giá trị cao. Tại khu vực này phường còn tại hồ và cầu tự tạo để người dân, du khách đến tham quan, chụp ảnh là kỷ niệm.
Phố đồ cổ – đồ xưa không chỉ là nơi giao lưu, bày bán các sản phẩm đồ cổ – đồ xưa cũ mà phường còn mời các làng nghề truyền thống của TP Hà Nội đến đây trưng bày, giới thiệu sản phẩm và giao lưu trao đổi thương mại giữa các địa phương. Niêm yết giá bán, lập hồ nhân tạo, mời gọi các làng nghề cùng tham gia, đây cũng những điểm mới trong Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018 so với những năm trước.
Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề nhằm quảng bá văn hoá ngành nghề truyền thống của Vạn Phúc, Hà Đông nói riêng; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch làng nghề truyền thống của TP Hà Nội nói chung; tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu đến du khách các hoạt động đa dạng của địa phương góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh con người, miền đất Hà Đông, Hà Nội; khơi dậy niềm tự hào quê hương có nghề dệt lụa. Thông qua Tuần lễ, Vạn Phúc cũng thí điểm phương án thay đổi kinh doanh, duy trì thường xuyên 3 tuyến phố chính dành cho người đi bộ là: Phố lụa, phố hoa – sinh vật cảnh và phố đồ cổ – đồ xưa vào tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Dự kiến Tuần lễ văn hoá du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc được tổ chức từ ngày 8 – 17/11/2018. Khách mời lên đến 500 người bao gồm các nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất và lữ hành, làng nghề … lớn nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ đón hàng vạn khách trong nước và quốc tế đến với Vạn Phúc.