Nhiều năm qua, hát Trống quân đã trở thành một trong những nét văn hóa đẹp trong đời sống của người dân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín. Người có công hồi sinh điệu hát này chính là ông Nguyễn Mạnh Tươi, Chủ nhiệm câu lạc bộ hát Trống quân Khánh Hà.
Hát Trống quân Khánh Hà là điệu hát đặc sắc có từ thời vua Lê Lợi. Hai nhóm hát đối đáp nhau (bên nam, bên nữ). Mỗi nhóm hát có từ 5 đến 7 người. Bên này đưa ra những câu hát về chủ đề nào đó (thiên nhiên, cây cỏ, tình cảm lứa đôi…) thì bên kia đối đáp lại. Cứ hát qua hát lại đến khi có bên không đối lại được bên kia thì sẽ thua. Cũng có cuộc hát đến nửa đêm vẫn không phân định được thắng thua, người hát chia tay để tối sau hát tiếp. Nét đặc biệt của điệu hát Trống quân Khánh Hà là lề lối hát được người hát tuân thủ chặt chẽ ở các chặng: Chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình và chặng hát hẹn giã biệt.
Là nét văn hóa đẹp như vậy nhưng cũng như nhiều loại hình văn hóa dân gian khác, do nhiều nguyên nhân, hát Trống quân Khánh Hà cũng có một thời gian dài bị gián đoạn. Nhiều người trong làng, nhất là những người yêu hát Trống quân như ông Tươi luôn trăn trở, mong mỏi điệu hát này sớm được hồi sinh. Đau đáu với điệu hát của quê hương, ông Tươi bàn với các cụ cao niên trong làng tìm cách khôi phục điệu hát. Năm 2005, ông và nhiều người cao tuổi đã tiến hành sưu tầm lời các bài hát Trống quân . Việc sưu tầm lời bài hát gặp nhiều khó khăn do thời gian đã lâu, nhiều người từng hát Trống quân nay tuổi đã cao, trí nhớ có phần giảm sút… nhưng ông Tươi không nản chí. Kiên trì đi lại, gặp gỡ, trò chuyện, khơi gợi… cuối cùng ông cũng đã có một vốn liếng kha khá để có thể phục dựng điệu hát này. Có được lời bài hát, ông lại kiên trì vận động mọi người trong xã tham gia luyện tập, biểu diễn hát Trống quân. Năm 2006, câu lạc bộ hát Trống quân Khánh Hà được thành lập với 30 thành viên. Ông Tươi được mọi người tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm câu lạc bộ. Từ đó đến nay, câu lạc bộ đã duy trì sinh hoạt 1 lần/tháng. Các hội viên tự đóng góp kinh phí để trang trải mọi hoạt động … Là Chủ nhiệm câu lạc bộ, ông Tươi mong muốn giữ gìn, lưu truyền điệu hát đặc sắc này nên đã bàn bạc với các thành viên tổ chức dạy hát cho các học sinh từ 10 – 15 tuổi. Ân cần uốn nắn, chỉ bảo từng li từng tý cho các em, ông vui khi đến nay đã có khoảng 100 em nhỏ được học hát. Nhiều em đã bộc lộ tình yêu, niềm say mê hát Trống quân.
Từ chỗ bị “quên lãng”, hát Trống quân Khánh Hà đã có được sức sống mới. Bên cạnh những bài hát cổ, các nghệ sĩ không chuyên của Khánh Hà còn sáng tác lời mới chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự đổi mới của quê hương…Trống quân Khánh Hà đã được cất lên tại các lễ hội lớn của địa phương (thay vì chỉ hát vào đêm trăng sáng dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch như trước đây). Câu lạc bộ cũng đã nhiều lần giành giải cao tại Liên hoan dân ca dân vũ thành phố Hà Nội. Ông Tươi vui vì đã góp phần gìn giữ được nét văn hóa quê hương, khi được đắm mình trong những giai điệu luyến láy, cuốn hút của từng câu hát. Điều khiến ông Tươi hạnh phúc hơn cả là đã có nhiều em nhỏ hát Trống quân rất hay. Đây chính là lớp nghệ sĩ không chuyên kế cận sẽ dành tình yêu, đam mê để hát Trống quân tiếp tục vang ngân, đóng góp vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Minh Nguyễn