Văn hoá đời sống

Tân Dân – nơi sản sinh những người thợ mộc tài hoa

Xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội 40km. Từ lâu, thương hiệu mộc Tân Dân đã nổi tiếng cả nước, là điểm đến của nhiều khách hàng khi muốn lựa chọn những sản phẩm được làm từ gỗ tự nhiên.

Xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội 40km. Từ lâu, thương hiệu mộc Tân Dân đã nổi tiếng cả nước, là điểm đến của nhiều khách hàng khi muốn lựa chọn những sản phẩm được làm từ gỗ tự nhiên.


Một xưởng gỗ ở Tân Dân

Tương truyền Nghề mộc ở Tân Dân đã có từ lâu đời, không ít sản phẩm của địa phương đã được cung tiến Vua, Chúa và các gia đình quyền quý. Những sản phẩm ấy là những người thợ tài hoa của địa phương làm ra như sập gụ, tủ chè, khay, hộp, sau này là bàn, ghế, tranh gỗ, giường, tủ… Đặc sắc nhất là sản phẩm sập gụ, tủ chè, khay, hộp quý giá với những đường nét chạm trổ tinh vi, bố cục chặt chẽ, đường chuốt cẩn thận, chất liệu gỗ đạt tiêu chuẩn cao. Những đường chạm tinh tế, sắc nét, mang phong cách riêng của Tân Dân, được những người thợ bảo tồn, theo hình thức cha truyền con nối. Trẻ trai Tân Dân lên 8 , lên 10 đã được làm quen với nghề mộc, khi 18, đôi mươi họ đã có thể làm được những sản phẩm mộc tinh xảo, thêm vài tuổi nữa là có thể mở xưởng, thuê nhân công ở các địa phương khác, làm ông chủ và làm thợ cả. Bao đời qua những sản phẩm hàng kỹ như sập gụ, tủ chè, bộ bàn ghế của Tân Dân luôn độc đáo, chiếm được nhiều cảm tình của người tiêu dùng. Hàng gỗ của Tân Dân không chỉ bán trong vùng mà còn được tiêu thụ trong khắp cả nước. Nhiều người không chỉ mở xưởng, mở cửa hàng trong làng, xã mà còn có những nhà xưởng, showroom trưng bày sản phẩm đồ gỗ cao cấp ở nhiều tỉnh, thành.


Một cửa hàng trưng bày đồ gỗ gia dụng

Hiện Tân Dân có nhiều người thợ khéo, trong đó có nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Bàn tay Vàng như: ông Duy Quý, ông Đình Sơn, ông Văn Thu, Minh Hà… Riêng nghệ nhân Đào Minh Hà có tuổi đời trẻ nhất trong số các nghệ nhân ở Tân Dân – sinh năm 1988. Tuổi đời còn trẻ, nhưng anh đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Năm 2014, anh được nhận Giải thưởng Cúp Bàn tay Vàng do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng.

Đến xã Tân Dân, dù lúc còn sớm tinh mơ hay khi trời đã tối, bất cứ ai cũng được nghe tiếng đục, tiếng chạm lách cách, rộn ràng từ những ngôi nhà khang trang có sân rộng rãi đến những nhà xưởng chất ngất đồ gỗ. Người thợ Tân Dân không chỉ khéo tay mà còn chăm chỉ, cẩn thận, và luôn giữ chữ tín: Giao hàng cho khách luôn đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại gỗ, đẹp, tinh xảo và chắc chắn.


Sản phẩm chạm khắc trên gỗ của Tân Dân

Chẳng thế mà những người thợ của Tân Dân quanh năm làm không hết việc. Nhiều xưởng mộc, trong 6 tháng qua đã nhận được hợp đồng đặt hàng giá trị gần 20 tỷ đồng. Theo lãnh đạo xã, hiện Tân Dân có 5/7 làng được Thành phố công nhận làng nghề mộc dân dụng. Thu nhập từ sản xuất TTCN và thương mại dịch vụ chiếm 79% cơ cấu kinh tế của xã. Giá trị thu nhập từ sản xuất TTCN 6 tháng đầu năm ước đạt 110 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 37 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, xã phấn đấu đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *