Theo thống kê sơ bộ, thành phố Hà Nội hiện có gần 2.000 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung chủ yếu vào mùa Xuân.
Trong đó, có nhiều lễ hội quy mô lớn như: Hội Gò Đống Đa, Hội Gióng, Hội Đền Cổ Loa, Hội Đền Hai Bà Trưng, Hội Chùa Hương…bên cạnh đó, còn nhiều lễ hội đã khôi phục được những phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị văn hóa sâu sắc. Các lễ hội đã và đang thu hút hàng vạn khách thập phương; đặc biệt, lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng đã thu hút được hàng chục vạn du khách trẩy hội.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết: trong năm 2016, hầu hết các lễ hội trên địa bàn Thành phố được diễn ra vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng quy định, kế hoạch đề ra. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co…Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đều được Sở VH&TT chỉ đạo kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hóa, danh hiệu làng nghề, Bằng di tích lịch sử văn hóa…làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao vừa ban hành văn bản số 123/SVHTT-QLDT về việc Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố. Trong đó nêu rõ, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao TP đề nghị các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý di tích, UBND các quận, huyện, thị xã: Tăng cường đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong thời gian trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Dinh Dậu 2017; Chú trọng quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban chức năng, cơ quan, đơn vị liên quan và quần chúng nhân dân kiểm tra, rà soát các di tích để tăng cường biện pháp bảo vệ, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp di vật, cổ vật, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho di tích;
Tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích đảm bảo nếp sống văn minh; trang phục, thái độ ứng xử có văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, của từng vùng, từng địa phương. Hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền trên ban thờ hoặc gài tiến lễ vào hiện vật, tượng thờ làm ảnh hưởng tính tôn nghiêm của di tích, đặc biệt trong dịp Lễ hội, Tết Nguyên đán; quan tâm thu gom các loại hương, nến, tiền lễ, tiền công đức ở những di tích có lượng khách tham quan lớn (nhất là dịp đầu Xuân) để đảm bảo mỹ quan, sự trang nghiêm nơi thờ tự.
Bố trí nơi chứa rác thải, các thùng rác lưu động, nhà vệ sinh, đảm bạo vệ sinh môi trường và không gian cảnh quan di tích; sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, các điểm trông giữ xe hợp lý, không làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan không gian kiến trúc của di tích và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cơ sở và khách tham quan;
Cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội, Sở VH&TT cũng phối hợp với Thanh tra Bộ VHTT, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra công tác bảo vệ di tích và tổ chức quản lý lễ hội tại các di tích danh làm thắng cảnh lớn, qua đó, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại để các địa phương khắc phục, đồng thời cũng kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đã báo cáo nhanh kế hoạch triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương trong năm 2017. Theo đó, đến nay, các đơn vị đã xây dựng và ban hành kế hoạch về tổ chức lễ hội trên địa bàn; triển khai đồng bộ các biện pháp về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…đồng thời cam kết sẽ giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong mùa lễ hội trước.
TN (Tổng hợp)
Ảnh: Internet
Theo MaskOnline