Chiều 16/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 tới các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh.
Hà Nội hiện có khoảng 1.206 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa xuân. Bên cạnh đó, các lễ hội có quy mô hội vùng như: Hội Gò Đống Đa, Hội Gióng, (đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010), Hội Đền Cổ Loa, Hội Đền Hai Bà Trưng, Hội Chùa Hương, Hội chùa Thầy gắn với huyền tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hội chùa Tây Phương, hội đền Và thờ Đức Thánh Tản… Nhiều lễ hội đã khôi phục được những phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị văn hoá sâu sắc… Đặc biệt lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, thu hút hàng chục vạn du khách trẩy hội.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng quy định, kế hoạch đề ra. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co… Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đều được Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hoá, danh hiệu làng nghề, Bằng di tích lịch sử văn hoá… làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, động viên, khuyến khích nhân dân giữ gìn, phát huy tốt các giá trị danh hiệu văn hoá, danh hiệu làng nghề truyền thống, các giá trị di sản văn hoá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố công nhận xếp hạng, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần trong cộng đồng dân cư. Từ đó đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong đoàn kết cộng đồng, phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc được phát huy.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với các Bộ, Cục kiểm tra công tác bảo vệ di tích và tổ chức quản lý lễ hội tại các di tích danh lam thắng cảnh lớn. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại để các địa phương khắc phục, cũng như kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục. Cụ thể, đã triển khai kiểm tra một số lễ hội như: Phủ Tây Hồ (Tây Hồ), Đền Sóc (Sóc Sơn), Đền Cổ Loa (Đông Anh), Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), Chùa Hương (Mỹ Đức)…
Đáng chú ý, số điện thoại đường dây nóng đã phát huy hiệu quả tốt. Trong năm đã tiếp nhận và xử lý nhiều nội dung phản ánh tại các lễ hội. Điển hình về việc thu vé xe cao hơn quy định tại Bia Bà (Hà Đông), Chùa Trấn Quốc (Tây Hồ); hàng quán lấn chiếm, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến giao thông tại Chùa Hương (Mỹ Đức), Chùa Đậu (Thường Tín); âm thanh quá lớn trong lễ hội tại Gò Đống Đa (Đống Đa)… Tất cả các nội dung phản ánh đã được Sở Văn hóa và Thể thao chủ động trao đổi với các địa phương kịp thời giải quyết.
Riêng đối với các lễ hội hiện đại, các sự kiện chào mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài cơ bản thực hiện tốt các quy định về tổ chức và quản lý lễ hội. Nhiều sự kiện, lễ hội tổ chức thành công, được dư luận, quần chúng đánh giá cao như: lễ hội Hoa Anh Đào; lễ hội Bơi chải Thuyền Rồng; lễ hội Ẩm thực Hà Nội; Festival sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống Hà Nội; Ngày hội các tỉnh, thành phố tại Hà Nội…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục. Ở một số lễ hội vẫn còn tồn tại các dịch vụ hàng, quán bầy bán đan xen trong di tích gây mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông. Công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự đảm bảo, nhiều lễ hội chưa có phương án triệt để hạn chế mất vệ sinh môi trường như: chưa có đủ thùng chứa rác, phế thải; thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách; một bộ phận không nhỏ người dân tham gia lễ hội thiếu ý thức nên việc đảm bảo vệ sinh, môi trường chưa tốt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều lễ hội chưa được quan tâm đúng mức. Còn có hiện tượng tranh giành khách, đi xe máy chặn ô tô đón khách vi phạm Luật Giao thông đường bộ; đổi tiền lẻ; hiện tượng tự nâng giá hàng dịch vụ, trông giữ ô tô, xe máy cao so với quy định còn tồn tại. Đa số các lễ hội với quy mô nhỏ, diễn ra trong phạm vi làng, xã nội dung lễ hội còn đơn điệu, nghèo nàn. Tình trạng ăn mặc tùy tiện, phản cảm thiếu văn hóa khi đi lễ hội, hiện tượng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường còn tồn tại ở một số lễ hội. Một số cá nhân lợi dụng lễ hội lúc đông người bán hương nhang, thẻ tử vi, thẻ khánh, viết sớ, xem bói, chèo kéo khách, bầy bán hàng lấn chiếm đường đi gây phản cảm cho du khách. Việc đốt vàng mã, thắp hương nhiều, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi qui định, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo… làm ảnh hưởng đến mỹ quan trong lễ hội và di tích.
Năm 2020 được xác định là năm có nhiều sự kiện lớn diễn ra. Các địa phương đều vào mùa chính hội, quy mô tổ chức lớn, hình thức phong phú với đầy đủ các nghi lễ của Hội. Vì vậy, công tác triển khai quản lý nhà nước được ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Bùi Thị Thu Hiền, các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như: chèo kéo khách, lén lút đổi tiền lẻ, đốt nhiều vàng mã, ăn xin, ăn mày, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá trông giữ phương tiện; bố trí lực lượng thu gom kịp thời tiền đặt lễ và tiền dầu nhang; có phương án phù hợp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội. Đặc biệt, không đưa hiện vật không có hồ sơ xếp hạng vào di tích.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cũng cho biết, thời gian tới sẽ có các đoàn kiểm tra của Sở, Bộ, liên ngành thành phố trực tiếp kiểm tra tại các lễ hội, nhất là các lễ hội lớn như: Chùa Hương, Đền Sóc, Đền Và, Hai Bà Trưng…
Đông Hoàng
Theo MaskOnline