Lễ hội

Tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2016

​Sáng 19/1, tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Duy Biên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Văn phòng UBND Thành phố và các phòng, ban, đơn vị liên quan của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Từ những ngày cuối năm 2015, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai công tác phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao chào mừng Tết Dương lịch 2016, kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân mới Bính Thân 2016. Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức đoàn đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Phối hợp với các đoàn nghệ thuật Trung ương và các địa phương tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao tại sân khấu Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Trung tâm quận Hà Đông, Tây Hồ, Thị xã Sơn Tây và trước cửa Sân vận động quốc gia Mỹ Đình; Tổ chức bắn pháo hoa tại 31 trận địa kết hợp biểu diễn văn hóa nghệ thuật; Tổ chức các cuộc Hội báo, triển lãm ảnh, sách báo, tuần phim phục vụ nhân dân…Tổ chức buổi gặp mặt đại biểu, kiểu bào về quê ăn tết, đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các nhân sĩ, trí thức; văn nghệ sĩ…thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, giao thông vận tải, y tế, an toàn thực phẩm, phòng chống buôn lậu, hàng giả… phục vụ nhân dân.
Thành phố cũng chỉ đạo, hướng dẫn công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn Thành phố theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo và các cơ quan chức năng, kết hợp với chiếu sáng đô thị, đặc biệt là tại các trục đường chính, khu đông dân cư, đầu mối giao thông ra vào thành phố…đặc biệt là tại các vực trung tâm như: hồ Hoàn Kiếm, quảng trường Ba Đình, quảng trường Cách mạng tháng Tám, các trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ…từ ngày 10/1 đến 15/2/2016.
Trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, Thành phố sẽ tổ chức họp báo công bố về một số lễ hội lớn, diễn ra dài ngày trên địa bàn Thành phố; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương và du khách chấp hành những quy định thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã trong khu di tích. Chỉ đạo, hướng dẫn BTC các lễ hội thực hiện phần nghi lễ trang trọng, trên cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của từng lễ hội; khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống. bảo vệ cảnh quan môi trường; bài trừ hủ tục mê tín dị đoan.

13​Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi báo cáo kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và công tác tổ chức, quản lý Lễ hội năm 2016.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có trên 1000 lễ hội với nhiều quy mô khác nhau, tập trung vào mùa xuân, trong đó có nhiều lễ hội có quy mô hội vùng như: Hội gò Đống Đa, Hội Gióng, Hội đền Sóc, Hội đền Hai Bà Trưng, Hội chùa Hương. Việc tổ chức lễ hội hàng năm đều được Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Văn hóa cơ sở, kiểm tra tra công tác bảo vệ di tích và tổ chức quản lý lễ hội để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót, tồn tại để các địa phương sớm khắc phục.

14Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao đổi về công tác quản lý Lễ hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Cục trưởng Cục Di sản và Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng, các vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay đó là tập trung quản lý để không xảy ra tình trạng thương mại hóa lễ hội và các hoạt động mê tín dị đoan; có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức các dịch vụ trong lễ hội như: trông giữ xe, bán hàng quán, đổi tiền lẻ; không để xảy ra tình trạng chèo kéo; đảm bảo các vấn đề về phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chú trọng tuyên truyền về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội đến với người dân…

15Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục quan tâm tới công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố để các lễ hội diễn ra an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đông đảo người dân.

Đạt Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *