Ngày 25/3/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trên địa bàn tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Thực hiện hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương.
Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nào). Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích, phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, các nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động có kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025) bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa của địa phương, người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Phối hợp giữa các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao với cơ quan báo chí, truyền thông để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân địa phương để nâng cao nhận thức xã hội, các cấp chính quyền.
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với các di tích có tính chất tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng… Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cần có hình thức thích hợp để giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công…
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có); bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững kinh tế – xã hội, phát triển du lịch của địa phương.
CTTĐT