Tin ngành

Tăng cường tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ngày 17/3/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Trong thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch đã được các cơ quan, đơn vị, các Sở quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngành.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong tình hình mới, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Các điều kiện thi hành pháp luật chưa được đảm bảo; ý thức chấp hành pháp luật có lúc, có chỗ chưa nghiêm, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Việc trùng tu Tam quan Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa. Ảnh: TP

Để tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch:

Nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động chuyên môn và hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đầu trong tổ chức thi hành pháp luật.

Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để có đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả.

Nội dung cần tập trung trong công tác tổ chức thi hành pháp luật gồm: Xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành; Tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp trong văn bản pháp luật; Phổ biến văn bản pháp luật; Tập huấn văn bản pháp luật; Tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để thi hành văn bản pháp luật; Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành văn bản pháp luật; Sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản pháp luật; Tổng hợp tình hình thi hành pháp luật và kiến nghị xử lý vướng mắc.

Nhóm thanh niên cởi trần quảng cáo sản phẩm một cách phản cảm trên tàu điện Cát Linh – Hà Đông đã bị Thanh tra Sở VHTT Hà Nội xử phạt.

Tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch.

Chủ động, kịp thời rà soát văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật, gây cản trở sự phát triển.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổng hợp tình hình tổ chức thi hành pháp luật theo lĩnh vực được phân công gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Pháp chế) theo định kỳ 6 tháng (trước 31/5) và hàng năm (trước 30/11). Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương liên hệ về Bộ (qua Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn, hỗ trợ.

H.A

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *