Di sản

Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

Nhờ định hướng tuyên truyền phù hợp, đồng thời siết chặt công tác quản lý, các lễ hội trên địa bàn Tp Hà Nội diễn ra văn minh, nhưng không làm giảm đi giá trị truyền thống của lễ hội.

Thống kê sơ bộ, trên toàn địa bàn Hà Nội hiện có 1.026 lễ hội với nhiều quy mô lớn, nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung chủ yếu vào mùa Xuân. Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội, trong năm 2017 và quý I/2018, hoạt động quản lý tổ chức lễ hội diễn ra ngày càng thu hút được sự quan tâm của các ngành, các cấp và đông đảo tầng lớp nhân dân.

Hầu hết các lễ hội diễn ra đảm bảo đúng quy định, kế hoạch đề ra. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: Hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co… Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đều được kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hoá, danh hiệu làng nghề, Bằng di tích lịch sử văn hoá… làm phong phú hoạt động của lễ hội.

Lễ hội Đền Sóc năm 2018 đã khắc phục triệt để tình trạng chen lấn, xô đẩy; không còn xảy ra tình trạng tranh cướp lộc, gây phản cảm

Để quản lý tốt việc tổ chức lễ hội, thời gian qua, Sở VH&TT đã định hướng công tác tuyên truyền phù hợp với quy mô của lễ hội, tránh tình trạng nâng tầm lễ hội, đưa các thông tin không đúng với quy mô và nội dung của lễ hội.

Sở VH&TT đã đặt trọng tâm vào hoạt động quản lý việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cụ thể như: Nghiên cứu, hướng dẫn và chỉ đạo việc giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội; không tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động lễ hội; không để xảy ra các hình ảnh phản cảm trong lễ hội, đặc biệt là việc phát lộc, tranh cướp lộc tại các lễ hội; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập kiểm tra sát sao công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố; đặc biệt là các điểm nóng như: Phủ Tây Hồ (Tây Hồ); Chùa Hà (Cầu Giấy); Đền Sóc (Sóc Sơn); Đền Cổ Loa (Đông Anh); Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh); Đền Và, Chùa Mía (Sơn Tây); Chùa Hương (Mỹ Đức); Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ); Bia Bà (Hà Đông)… Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra tại một số lễ hội lớn trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã, đồng thời có công văn nhắc nhở, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Nhờ vậy, lễ hội chùa Hương năm 2018 đã có những chuyển biến tích cực, được siết chặt để tránh tình trạng tranh giành, cướp lộc; các đò đưa đón khách được gắn biển số để kiểm soát, tránh tình trạng chủ đò chèo kéo, chặt chém du khách.

Lễ hội chùa Hương năm 2018, các đò đưa đón khách được gắn biển số để kiểm soát, tránh tình trạng chủ đò chèo kéo, chặt chém du khách

Tại đền Sóc, để khắc phục những hình ảnh phản cảm cướp lộc xảy ra, Sở VH&TT đã tổ chức các cuộc họp, mời các nhà khoa học, chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương thống nhất hình thức tán lộc bằng cách sau khi dâng lễ ở Đền Thượng sẽ chia nhỏ để tán lộc ở Đền Hạ, Đền Mẫu và 8 thôn làng, được nhân dân đồng thuận. Qua đó, lễ hội Đền Sóc đã khắc phục triệt để tình trạng, chen lấn, xô đẩy; không còn xảy ra tình trạng tranh cướp lộc, gây phản cảm mà vẫn đảm bảo được đầy đủ những nghi lễ truyền thống của lễ hội được ghi trong danh mục di sản của UNESCO.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn vẫn dần bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp khắc phục. Ở một số lễ hội vẫn còn tồn tại các dịch vụ hàng, quán bầy bán đan xen trong di tích gây mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông. Nhiều lễ hội thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách; hiện tượng cờ bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng còn diễn ra tại một số lễ hội làng; hiện tượng tự nâng giá hàng dịch vụ, trông giữ ô tô, xe máy cao so với quy định còn tồn tại. Một số nơi đặt nhiều hòm công đức, bán lộc, đổi tiền lẻ. Đa số các lễ hội với quy mô nhỏ, diễn ra trong phạm vi làng, xã nội dung lễ hội còn đơn điệu, nghèo nàn…

Để khắc phục tình trạng đó, Sở VH&TT Hà Nội xác định phải tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội.

Ngoài ra, giữa các ngành, các cấp, các ban quản lý di tích và ban tổ chức lễ hội địa phương cần tăng cường sự phối hợp để nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn; hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Sở VH&TT cũng cho biết sẽ phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động lễ hội.

Hòa An

Ảnh: Internet

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *