Chưa được phân loại

Tạo bước đột phá về “văn hóa” công vụ để công tác CCHC hiệu quả cao hơn

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, bản chất cải cách hành chính (CCHC) là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp.

Ngày 18/8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính thành phố Hà Nội năm 2022”. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp và được trực tuyến đến 24 điểm cầu sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

100% TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã báo cáo về công tác cải cách hành chính 7 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022.

Theo đó, công tác CCHC của Thành phố đã được cải thiện và nâng cao, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố năm 2021 được duy trì và có sự chuyển biến. Cụ thể như Chỉ số PAR-INDEX nằm trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 10/63); chỉ số SIPAS tăng 3 bậc so với năm 2020, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra năm 2021 là 86%); chỉ số PAPI tăng 39 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

UBND Thành phố cũng đã thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR-INDEX và Chỉ số SIPAS do Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố làm tổ trưởng để theo dõi, đánh giá những nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tạo bước đột phá về
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, CCHC được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố (Ảnh: VT).

Thành phố đã đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính (TTHC); công bố công khai 3 TTHC, danh mục 500 TTHC, thay thế 33 TTHC, bãi bỏ 476 TTHC; ban hành 10 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức trong thực hiện TTHC.

Đến nay, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định.

Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC, đảm bảo các quy định trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Kết quả giải quyết hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn hơn 1 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%.

Toàn Thành phố đã có 156/175 phường (đạt 89,14%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, Thành phố đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, giảm 10,1%; sắp xếp các Ban Quản lý dự án chuyên ngành (từ 6 xuống còn 4 đơn vị), sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp và sắp xếp các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giảm 1 chi cục, 1 đơn vị sự nghiệp). Thành phố cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế công chức, viên chức so với 2015 (giảm 1.473 biên chế công chức, 15.204 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước).

Tạo bước đột phá về
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại hội nghị.

Giải quyết vấn đề bất cập, tránh chồng chéo trong quản lý

Đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã nhấn mạnh đến giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PARINDEX, SIPAS giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử. Chủ động tham mưu, đề xuất những sáng kiến, mô hình CCHC mới tạo bước đột phá trong CCHC…

Về một số giải pháp cụ thể, Thành phố sẽ ban hành Đề án “Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC hiện đại các cấp của Thành phố Hà Nội” trên cơ sở tích hợp một số nội dung của Đề án 06; Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; chủ động triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong giải quyết TTHC để cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp…

Cùng với đó, Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố. Trong đó, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, TTHC do các Sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của Thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận về các giải pháp trong công tác thông tin, tuyên truyền công tác cải cách hành chính, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công tác trong quá trình chuyển đổi số…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị thời gian tới thành phố Hà Nội cần rà soát lại những vấn đề bất cập, tránh chồng chéo trong việc quản lý. Đồng thời, lưu ý trong vấn đề công vụ phải gắn với xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, cố gắng tạo sự khác biệt ấn tượng trong công tác tiếp dân. Đặc biệt, Hà Nội phải là thành phố thông minh, đi đầu trong chuyển đổi số, bởi có điều kiện về cơ sở, về đầu tư vốn và có tư duy mạnh mẽ…

Tạo bước đột phá về
Quang cảnh Hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính thành phố Hà Nội năm 2022”.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, CCHC được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong thời gian qua, được người dân mong mỏi.

Vì vậy, bản chất CCHC là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp. “Nhưng dù có thiết kế bộ máy phù hợp thế nào, quan trọng vẫn là người ngồi vận hành bộ máy đó và mối quan hệ trong hệ thống”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị sau hội nghị, mỗi đơn vị, địa phương sẽ có kế hoạch riêng để khắc phục những điểm hạn chế đã được chỉ ra, nâng cao công tác CCHC; lãnh đạo các đơn vị chuyển tải thông điệp tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tạo nên sự khác biệt tốt về thái độ đối với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng, phục vụ.

Thông tin về việc Thành phố đã và đang thành lập các ban chỉ đạo những đề án rất thiết thực (triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước; triển khai thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội sang tự chủ tài chính…), Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo rất đồng bộ, bài bản, Ban Cán sự UBND Thành phố cùng với các Ban Đảng, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt các đề án mang tính then chốt đó chắc chắn sẽ giải phóng được nguồn lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế.

Ngân Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *