Chiều 23/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố giai đoạn 2017-2024.
Cần những cách làm mới trong việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào bao gồm 5 nội dung là đoàn kết giúp nhau “Xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch – đẹp – an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, các ngành, địa phương trên toàn Thành phố Hà Nội triển khai rộng khắp, gắn kết với nhiều cuộc vận động, các phong trào khác nhau và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân.
Tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Phó Cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng lưu ý cần quán triệt tinh thần nêu gương mẫu mực của người đứng đầu, của các cấp lãnh đạo nhằm tạo sự đoàn kết. Trong năm 2025, Hà Nội cần quán triệt xây dựng môi trường văn hóa phải ngay từ trong gia đình, cơ quan. Cùng với đó, ngoài việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp thì phải có sự đổi mới về nội dung và cách làm. Tăng cường lồng ghép hiệu quả với các phong trào, chương trình, hoạt động về văn hóa và phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức trong cộng đồng…
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, năm 2025 là năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước. Cùng với việc tiếp tục triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” một cách sâu rộng, ông Đỗ Đình Hồng mong rằng các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai tốt phong trào xây dựng thôn/tổ dân phố, xã/phường/thị trấn sáng, xanh, sạch, đẹp để chào mừng các ngày lễ lớn mà gần nhất là chào năm mới 2025. Cũng nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động phải hướng về cơ sở, phát huy không gian của các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho Nhân dân. Bên cạnh đó, vào dịp Tết, nhiều hoạt động tín ngưỡng tôn giáo lớn sẽ diễn ra trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, các lễ hội truyền thống cũng diễn ra liên tục, vì vậy các địa phương cần chú ý tuyên truyền về ứng xử văn hóa khi tham gia hoạt động lễ hội truyền thống, chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy, đốt vàng mã…
Nhiều kết quả tích cực trong triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố
Sau gần 8 năm triển khai (từ 2017 – 2024), Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố đang ngày càng trở nên thân thuộc với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp Nhân dân trong việc căn chỉnh văn hóa ứng xử, xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Từ thành phố tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa Quy tắc ứng xử của Thành phố. Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đều quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai thực hiện thống nhất, có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Đã cụ thể hóa kịp thời sự chỉ đạo của Thành phố thành các chương trình, kế hoạch, đề án gắn với cải cách hành chính, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cơ quan nhà nước; Chỉ đạo thực hiện các quy tắc ứng xử gắn với việc triển khai Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh; Chỉ thị số 24 ngày 7/8/2023 của Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố”, thực hiện đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng, hàng năm trong đó có tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Các sở, ban, ngành địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình triển khai các Quy tắc ứng xử và có giải pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời, phù hợp. Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội hằng năm tham mưu cho Thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và duy trì việc thực hiện Quy tắc ứng xử. Thông qua kiểm tra nhằm phát hiện những nhân tố tích cực để nhân rộng, lan tỏa các Quy tắc, đồng thời khắc phục hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị.
Nhằm tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã ký quyết định khen thưởng cho 35 tập thể và 68 cá nhân nhằm khích lệ, động viên tinh thần cũng như đẩy mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện 2 quy tắc ứng xử đi vào đời sống.
Tô Nga