Văn hóa

Tập trung đổi mới tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Những kết quả đạt được đã từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng.

Chiều 26/1/2018, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017, bàn thống nhất kế hoạch thực hiện Cuộc vận động năm 2018. Tới dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Nguyễn Doãn Toản; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Vũ Hồng Khanh; Phó Chủ tịch Thườg trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Lê Thị Kim Oanh; Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Nguyễn Kim Hoàng cùng đại diện các Sở, ngành, Ban chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã…


Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại Hội nghị

Năm 2017, BCĐ CVĐ Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tổ chức quán triệt, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động với nhiều nội dung, hình thức thích hợp thông qua các phương tiện truyền thông, các tài liệu tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tập huấn, thông tin trên cổng thông tin điện tử của Thành phố và các sở, ngành, quận huyện, trên các pano, băng rôn, khẩu hiệu, hệ thống loa truyền thanh của phường, xã… về các nội dung và kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố. Tổ chức định hướng tuyên truyền thông qua giao ban các cơ quan báo chí để biên soạn tin, bài phản ánh hoạt động triển khai thực hiện Cuộc vận động và tuyên truyền chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2017. Triển khai công tác tuyên truyền về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước và thành phố năm 2017 lồng ghép với những nội dung liên quan của Cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên toàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Sở Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư năm 2017, trong đó có 14 dự án lĩnh vực thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 22 trung tâm thương mại và 125 siêu thị. Trong năm 2017, đã tổ chức trên 20 cuộc giao thương kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước; tổ chức 02 Hội nghị giao thương trên địa bàn Thành phố gồm: Hội nghị giao thương và giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố năm 2017 và Hội nghị giao thương kết nối cung – cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với 50 tỉnh, thành phố. Tổ chức thành công Hội chợ hàng Việt, Hội chợ Quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội và Tháng Khuyến mại Hà Nội 2017.
Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, Sở Công thương đã triển khai tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất: tổ chức hơn 490 chuyến bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, 05 Hội chợ hàng Việt phục vụ Tết, 10 phiên chợ Việt, 01 chợ Tết phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành. ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm.
Thành phố triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành phố đã đặc biệt chú trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện việc chuẩn hóa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; triển khai nộp hồ sơ giao dịch qua mạng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác đầu tư và phát triển”; Tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản; Tổ chức “Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội năm 2017”; tổ chức Tọa đàm “Trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản”; Chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp.
Sở Công thương phối hợp với các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp – Thương mại trên địa bàn thành phố: Xây dựng Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức giao ban trực tuyến với phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã, trả lời 52 kiến nghị, đề xuất về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Công thương; Tổ chức làm việc với các quận, huyện, thị xã để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lĩnh vực Công thương trên địa bàn .Triển khai có hiệu quả Kế hoạch khuyến công của Thành phố, năm 2017 đã hỗ trợ: 12 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; 16 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, 85 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Hoàn thành công tác thẩm định, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội năm 2017 cho 42 cá nhân; Xét công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội cho 08 làng nghề của tại 02 huyện Mê Linh và Phú Xuyên; Công nhận 30 sản phẩm là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố.
Để hỗ trợ người tiêu dùng, Sở Công thương tổ chức Lễ Hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3”, “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” từ 17/3/2017 đến 19/3/2017, Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2017 với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá.; phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Chương trình “Bữa ăn an toàn giai đoạn 2017-2020 ” với các sự kiện: Diễn đàn kết nối 5 nhà với chủ đề “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn”, Lễ phát động “bữa ăn an toàn”…; Phối hợp khảo sát, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt chủ trương xây dựng 11 điểm bán thực phẩm sạch, an toàn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Sở Tài chính thực hiện kiểm tra công tác bình ổn giá và kiểm tra giám sát việc đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá theo quy định của pháp luật, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
BCĐ CVĐ các quận, huyện, thị xã tổ chức các chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiêu biểu: Quận Nam Từ Liêm đã thành lập 13 trạm xét nghiệm ATTP nhanh các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Huyện Sóc Sơn tổ chức 01 cửa hàng cung ứng và giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ với trên 50 mặt hàng tại trung tâm huyện…
Lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 9.612 vụ, xử lý 8.854 vụ, tổng thu nộp ngân sách hơn 125 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính hơn 55,1 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu gần 30,1 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy hơn 36,2 tỷ đồng, trị giá hàng chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm hơn 3,6 tỷ đồng.
Thực hiện chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2017 đã có 115 sản phẩm, dịch vụ của 69 doanh nghiệp được trao chứng nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2017. Chương trình được tổ chức với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị thành viên BCĐ CVĐ Thành phố, thể hiện tính kết nối, cùng cộng đồng trách nhiệm làm nên thành công của Chương trình bình chọn, đáp ứng mục đích, yêu cầu đã đề ra. Đây cũng là năm đầu tiên kinh phí tổ chức Chương trình được cấp 100% từ nguồn ngân sách của Thành phố, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố đối với việc thực hiện Cuộc vận động.
Ghi nhận những thành tích của các tập thể, cá nhân trong thực hiện Cuộc vận động năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 29 đơn vị, 40 cá nhân có thành tích xuất sắc; Đề nghị UBND Thành phố tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, năm 2017, BCĐ các cấp, các sở, ban, ngành thành viên BCĐ CVĐ Thành phố đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện công tác tuyên truyền. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện CVĐ đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, khuyến khích khởi nghiệp góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chí phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Bên cạnh đó trong quá trình triển khai CVĐ vẫn còn một số hạn chế như : Một số đơn vị thành viên BCĐ CVĐ Thành phố ít tham dự Hội nghị Giao ban, các hoạt động do BCĐ CVĐ Thành phố tổ chức, một số đơn vị gửi thiếu báo cáo. Một số đơn vị sở, ngành chưa quan tâm đến việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động; chưa chủ động trong công tác tuyên truyền, tuyên truyền CVĐ còn mang tính kỳ cuộc; chưa chủ động báo cáo kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động ở đơn vị mình về BCĐ CVĐ Thành phố. Hiệu quả công tác tuyên truyền về cuộc vận động đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa cao, do vậy nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về Cuộc vận động nên chưa nhận thấy hiệu quả mang lại khi tham gia các chương trình của Cuộc vận động. Còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa.
3 ý kiến phát biểu tham luận tại hội nghị (Sở Công thương, Báo Hà Nội mới, huyện Phú Xuyên) đã bày tỏ sự đồng tình với báo cáo tổng kết năm 2017, phương hướng năm 2018 và đề xuất một số đổi mới: nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các quận, huyện, thị xã; tổ chức chấm điểm thi đua Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị đồng thời khẳng định những kết quả đạt được đã từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng. Năm 2018, tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố. Công tác tuyên truyền cần chủ động, đồng bộ hơn nữa, tập trung giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu có chất lượng. Cần làm tốt hơn nữa công tác kết nối cung- cầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt Cuộc vận động, tạo sức lan tỏa. Chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ và kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại…

Minh Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *