Tin tức - Sự kiện

Tập trung nguồn lực, chú trọng hoàn thành các chỉ tiêu về văn hóa-xã hội

Chương trình 04 có 24 dự án và 18 đề án trong đó 18 đề án đều thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội.

Để mục tiêu của Chương trình 04 được hoàn thành, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần chú trọng rà soát các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được HĐND Thành phố thông qua, từ đó, đề xuất những giải pháp thúc đẩy hoàn thành chỉ tiêu.

Chiều 26/7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có buổi làm việc với Sở KH&ĐT, Văn hóa và Thể thao (VH&TT), Giáo dục và Đào tạo, quận ủy Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, huyện ủy Đông Anh, Gia Lâm kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2017 để đánh giá tình hình thực hiện Chương trình 04-CTr/TU tại Sở, Ban, ngành, quận, huyện, thị xã, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện ở cơ sở.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm việc với Sở KH&ĐT về Chương trình 04 Thành ủy Hà Nội

Theo báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Học cho biết, thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, Sở KH&ĐT đã tập trung vào 2 nội dung: Xây dựng danh mục công trình trọng điểm, các dự án đầu tư công, cân đối nguồn nhân lực cho đầu tư, hoạt động theo mục tiêu, chỉ tiêu chương trình; thứ hai là hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động xã hội hóa đầu tư, định kỳ kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, y tế, lao động và khoa học công nghệ.
HĐND Thành phố đã phê duyệt danh mục công trình trọng điểm, bao gồm 8 dự án thuộc Chương trình 04, trong đó 5 dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công; 3 dự án dự kiến; 1 dự án Cung Thiếu nhi được đầu tư theo hình thức PPP; 1 dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội đầu tư theo hình thức liên danh liên kết; 1 dự án Cung văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội đang xem xét chọn hình thức đầu tư…
Tính đến tháng 7/2017, có 15/24 dự án thuộc Chương trình 04-CTr/TU đã co kế hoạch và chủ trương đầu tư (12 dự án đầu tư bằng Ngân sách và 03 dự án đầu tư bằng hình thức khác; còn 09 dự án chưa có nguồn để cân đối bố trí vốn trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020)
Cùng với đó, với việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa, Thành phố đã huy động được nguồn lực lớn của xã hội đầu tư vào các dự án cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế, thể thao, du lịch… Hiện nay trên địa bàn Thành phố đang triển khai 204 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội với số vốn đăng ký khoảng 37.396 tỷ đồng, diện tích đất khoảng 415ha. Trong đó lĩnh vực giáo dục-đào tạo là 108 dự án; lĩnh vực y tế là 30 dự án; lĩnh vực dạy nghề là 28 dự án; lĩnh vực bảo trợ 7 dự án; thể thao là 31 dự án.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, việc triển khai Chương trình 04 còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra, sản xuất kinh doanh khó khăn, tăng trưởng xuất khẩu đạt thấp trong khi nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội và phát triển hạ tầng lớn. Hà Nội còn gặp khó khăn đặc thù trong phát triển (tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao, cơ sở hạ tầng quá tải và chưa đồng bộ) đã tạo ra áp lực lớn cho ngân sách.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách TP tập trung ưu tiên các dự án phục vụ trực tiếp mục tiêu đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội: xây dựng mới hoặc đầu tư nâng công suất bệnh viện nhằm giảm tải bệnh viện; xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Một số mục tiêu chính thuộc Chương trình có tính cấp bách nhằm bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững như xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng xã-phường-thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế và tu bổ các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng đã xuống cấp… Sở KH&ĐT đề xuất Thành phố cho phép lập kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2017-2020 nhằm tập trung chỉ đạo, điều hành của các cấp ngân sách về tiêu chí và bố trí tập trung nguồn lực; hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đạt tối thiểu 70% trường công lập trên toàn Hà Nội đạt chuẩn Quốc gia.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách để đầu tư dứt điểm 17 trạm y tế cấp xã để đủ điều kiện xét công nhận 100% các xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế (nhu cầu còn thiếu 110 tỷ đồng); tu bổ và bảo tồn di tích Quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Thành phố và hỗ trợ các di tích thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện bị xuống cấp nghiêm trọng giai đoạn 2017-2020 (dự kiến nhu cầu vốn khoảng 800 tỷ đồng)…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Chương trình 04 của Thành ủy là một trong những chương trình lớn nhất của 8 chương trình với các vấn đề xã hội xuyên suốt. Tuy đạt nhiều kết quả sau 1 năm thực hiện nhưng còn triển khai trong hơn 4 năm tới nên rất cần kiểm tra để theo dõi tình hình, kết quả thực hiện từ đó đề ra những giải pháp để đạt các mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đánh giá cao Sở KH&ĐT đã nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Sở KH&ĐT trong thời gian tới cần chú trọng rà soát các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được HĐND Thành phố thông qua. Từ đó, đề xuất những giải pháp thúc đẩy hoàn thành chỉ tiêu. Đồng thời nhấn mạnh, hiện nay, còn một số chỉ tiêu của Chương trình 04 đạt kết quả chưa cao như chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia (mới đạt 17%), chương trình giảm nghèo, các chỉ tiêu trong lĩnh vực xã hội… do đó phải rà soát lại để có giải pháp tham mưu cho Thành phố để Thành phố có hướng chỉ đạo, trong đó quan tâm đặc biệt hơn đến lĩnh vực văn hóa – xã hội do sự đa dạng, phức tạp, cần nguồn lực rất lớn. Rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án chưa có chủ trương đầu tư, chưa xác định được rõ nguồn lực, cách thức đầu tư… để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Chương trình đề ra.
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, Chương trình 04 có 24 dự án và 18 đề án; 18 đề án đều thuộc lĩnh vực của các Sở trong nhóm văn hóa-xã hội để phục vụ cho mục tiêu Chương trình: đó là về đào tạo nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng các thiết chế văn hóa… cần nguồn lực nhất định do vậy Sở KH&ĐT cần quan tâm đến các đề án này. Đồng thời, Sở VH&TT cần phối hợp với Sở KH&ĐT tham mưu cho UBND TP. Hà Nội để triển khai từng mục tiêu, thực hiện hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình 04.

Bình Dương

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *