Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khi chia sẻ những kết quả mà ngành Văn hóa đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016.
Những thành tựu đạt được
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành VHTTDL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ngành từng bước được kiện toàn. Nhiều giá trị văn hóa, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. Có 22 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, có 72 di tích trên tổng số hơn 4.000 di tích trên toàn quốc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.258 di tích quốc gia, 162 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 79 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, lần đầu tiên danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng cho 617 nghệ nhân; 102 tác phẩm, công trình được tặng Giải thưởng HCM, 458 tác phẩm, công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Sau 8 đợt phong tặng, cả nước có 368 NSND, 2.312 NSƯT, đến hết năm 2015 có 71.512 làng Văn hóa, hơn 18 triệu hộ GĐVH, công tác tổ chức lễ hội và ý thức người dân tham gia lễ hội có chuyển biến rõ rệt. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được tổ chức sôi nổi, rộng khắp tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trong nhân dân; các đoàn nghệ thuật, tuyên truyền cổ động đi lưu diễn phục vụ nhân dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thiết thực góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đấu tranh chống vi phạm được quan tâm, chú trọng. Thêm 3 di tích quốc gia được xếp hạng; Trình Thủ tướng chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2016 (14 di tích). Hướng dẫn các địa phương triển khai lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và công nhận bảo vật quốc gia đợt 5. Thêm 24 di săn văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tính đến thời điểm này đã có 162 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Triển khai kế hoạc xây dựng các hồ sơ đệ trình UNESCO: Then Tày, Nùng, Thái; hát Xoan Phú Thọ; Nghệ thuật Xòe Thái và phối hợp với Tổng Cục di săn văn hóa Hàn Quốc xây dựng hồ sơ đa quốc gia “Nghề sơn mài truyền thống”.
Các hoạt động văn hóa, tuyên truyền Đại hội toàn quốc lần thứu XII của Đảng và Bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức tốt, góp phần vào thành công chung trong công tác tổ chức các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong 6 tháng đầu năm. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội tiếp tục được thực hiện theo Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư và Công điện 229 của Thủ tướng Chính phủ năm 2015, cơ bản tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng về nội dung, tập trung về thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội, hạn chế các tiêu cực, đặc biệt các lễ hội hiến tế, có yếu tố bạo lực như “chọi trâu”, “chém lợn”.
Sự kiện “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2016” được tổ chức thành công, tạo được tiếng vang cả trong và ngoài nước, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tiếp tục triển khai Đề án tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch Việt Nam tại Philippines; Những ngày Văn hóa Philipines tại Việt Nam; Những ngày Văn hóa – Du lịch Việt Nam tại Thái Lan và Những ngày Văn hóa Thái Lan tại Việt Nam; Những ngày Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc, “Tuần lễ ẩm thực Việt Nam năm 2016” tại Venezuela và Colombia. Hoàn thiện kế hoạch tổ chức Tuần Văn hóa Armenia, Tuần Văn hóa Azerbaijan tại Việt Nam năm 2016. Tham gia lễ hội Mùa Xuân Bình Nhưỡng tại Triều Tiên, Festival Văn hóa thế giới tại Voiron Rhone Alpes (Pháp).
Công tác truyền thông về lĩnh vực gia đình tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú trên các phương tiện thông tin địa chúng. Đặc biệt những hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 với chủ đề Yêu thương và chia sẻ, các hoạt động kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt nam 28/6 với chủ đề Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, Tháng hành động quốc gia về Phòng chống bạo lực gia đình lần đầu tiên được tổ chức trên khắp cả nước, thu hút được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và đông đảo nhân dân. Tổ chức thành công chương trình gia lưu Mùa xuân – Gia đình – Biển đảo; Phát động Viết về gương điển hình trong Phòng chống bạo lực gia đình và cuộc thi Câu lạc bộ gia đình chủ đề Gia đình hạnh phúc. Xây dựng kế hoạch Mạng lưới quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2016-2020.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016
Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung thực hiện Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020.
Hoàn thành kế hoạch xét tặng danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vào dịp 2/9/2016.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển giá đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ; Chương trình quốc gia về giáo dục đời sống gia đình, Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ gia đình và hỗ trợ gia đình phát triển hạnh phúc bền vững; nhân rộng mô hình PCBLGĐ. Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Ngắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhận định: Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp và những tiến bộ lớn về nhiều mặt, con người Việt Nam còn những hạn chế và thói quen do nền sản xuất nhỏ lâu đời để lại. Chủ nghĩa cá nhân đang gia tăng, nạn tham nhũng, lối sống ích kỷ thực dụng đã làm xói mòn phẩm chất tốt đẹp của con người… Thực tiễn chứng minh, trong những nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trước đây cũng như bây giờ, con người luôn là nhân tố quan trọng bậc nhất, là nhân tố quyết định. “Có thể nói, phát triển toàn diện con người là nhân tố quyết định vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc. Chính vì thế trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tập trung nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Nghiên cứu xây dựng hệ giá trị chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Vy Vy
Theo MaskOnline