Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, huyện Thạch Thất đã cụ thể hóa bằng việc triển khai xây dựng Chương trình số 03-CTr/HU […]
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, huyện Thạch Thất đã cụ thể hóa bằng việc triển khai xây dựng Chương trình số 03-CTr/HU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện Thạch Thất giai đoạn 2016-2020” nhằm thực hiện hiệu quả nội dung chương trình.
Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Thạch Thất đặt mục tiêu tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ huyện đến thôn. Bảo tồn, giữ gìn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng; phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng văn hóa và con người Thạch Thất phát triển toàn diện. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Phát huy và mở rộng dân chủ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phong trào “Toàn đân doàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội và cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Theo đó, huyện sẽ triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo các công trình phụ trợ và cảnh quan di tích lịch sử Nhà lưu niệm Bác Hồ, tượng đài Núi Nứa, bia tưởng niệm Cầu Sông phục vụ giáo dục lịch sử trong các trường phổ thông và giáo dục truyền thống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng khai thác, phát huy các giá trị văn hóa: Triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn các di tích văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống giai đoạn 2016-2020”.
Triển khai xây dựng chương trình du lịch chùa Tây Phương – tham quan làng nghề – văn hóa ẩm thực
Tập trung nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể khu vực kinh doanh dịch vụ và cải tạo cảnh quan Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Phối hợp với Sở Du lịch triển khai xây dựng chương trình du lịch chùa Tây Phương – tham quan làng nghề – văn hóa ẩm thực. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung sửa chữa cấp thiết 20 di tích, lập dự án tu bổ, tôn tạo 6 di tích. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, nhất là múa rối nước, cồng chiêng, hát chèo; khôi phục nghệ thuật tuồng ở các xã Phùng Xá, Hữu Bằng. Hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao: Triển khai xây dựng Đề án quy hoạch và xây dựng Trung tâm Văn hóa huyện theo quy hoạch chung xây dựng thị trấn Liên Quan đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng các hoạt động văn hóa thông tin; đề án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao huyện với việc đầu tư 1 sân vận động sức chứa trên 10 nghìn chỗ ngồi, 1 nhà thi đấu đa năng hiện đại đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc gia, 1 bể bơi, 4-6 sân tập từng môn; xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, cấp thôn theo Đề án xây dựng nông thôn mới.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể
Huyện cũng tiến hành đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trạm y tế xã đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới và duy trì đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Gắn đầu tư cơ sở vật chất với bố trí y bác sĩ đạt tiêu chuẩn. Phối hợp với Sở y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa Bệnh viện đa khoa Thạch Thất và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt ododngj của Trung tâm y tế huyện nhằm phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe và nhu cầu khám chữa bệnh ngay từ cơ sở của nhân dân. Đầu tư các môn thể thao, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống, thế mạnh trong phong trào thể thao của huyện như vật tự do, vật dân tộc, điền kinh, vovinam. Đề xuất xây dựng Tổ đường môn phái Vovinam tại huyện để quảng bá, giới thiệu Trưởng môn phái Vovinam Nguyễn Lộc. Quan tâm đầu tư thư viện huyện, thư viện, tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao văn hóa đọc, không ngừng nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, hình thành nét văn hóa truyền thống ở mỗi làng, xã, dòng họ…
Đầu tư cho các môn thể thao, đặc biệt là môn thể thao truyền thống
Việc nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện quan tâm, phấn đấu đạt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra. Công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa xứ Đoài và các giá trị văn hóa truyền thống của các làng xã trong huyện phát triển được đẩy mạnh. Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng và cuộc thi sáng tác ca khúc về huyện Thạch Thất. Đưa các nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ vào các tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa…
Huyện sẽ hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhân dân. Quan tâm đầu tư các trường ở các xã thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiếp tục cải tạo, sửa chữa, xây thêm phòng học cho các trường mầm non, tiểu học, THCS đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy 2 buổi/ngày. Năm 2016, huyện hoàn thành Đề án xây dựng trường THCS Thạch Thất và trường Mầm non 19/5 thành trường chất lượng cao. Phối hợp với các sở ngành của thành phố rà soát, đầu tư mở rộng diện tích, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đảm bảo phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nghiên cứu để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo các nghề, cung cấp lao động cho doanh nghiệp khu công nghệ cao Hòa Lạc và các doanh nghiệp vùng phụ cận; các nghề phục vụ sản xuất của các làng nghề truyền thống. Xây dựng Đề án tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với mong muốn công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện ngày càng đạt hiệu quả cao.
Sông Hương