5 năm qua, cùng với sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của Thủ đô, huyện Thạch Thất đang nỗ lực phát triển mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phấn đấu trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô. Ngày 29/6/2015, Đảng bộ […]
5 năm qua, cùng với sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của Thủ đô, huyện Thạch Thất đang nỗ lực phát triển mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phấn đấu trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô. Ngày 29/6/2015, Đảng bộ huyện Thạch Thất tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, với sự tham dự của 214 đại biểu, đại diện cho trên 7.400 đảng viên thuộc 48 tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ. Đây là đại hội điểm đầu tiên trong số 4 đại hội điểm cấp trên cơ sở được Thành ủy Hà Nội lựa chọn tổ chức, nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo các Đảng bộ cấp trên cơ sở còn lại tổ chức thành công Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2015 – 2020, tạo tiền đề tổ chức thành công Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Nhiệm kỳ 2010 – 2015, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Thất đã nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ huyện đã đề ra. Trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế cùng với việc lấy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là ngành mũi nhọn, Thạch Thất đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Thu hút đầu tư trên địa bàn luôn đạt cao, tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm đạt trên 9.800 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt xấp xỉ 12%/năm. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 12.500 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng ước đạt trên 8.500 tỷ đồng. Có được kết quả trên, huyện Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), các hộ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thiện hạ tầng 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 160ha, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 1.000 DN và hộ gia đình có mặt bằng sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Các làng nghề tiếp tục được huyện duy trì và phát triển mạnh. Đến nay, Thạch Thất có 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống, với 13.731 hộ sản xuất, thu hút 36.618 lao động, chiếm khoảng 75% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Toàn huyện hiện có 925 DN, HTX và 21.500 hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn phát triển phong phú, đa dạng các hoạt động thương mại – dịch vụ – du lịch. Nhiều DN trên địa bàn đã mở rộng hợp tác với các DN nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm làng nghề. Năm 2015, tổng giá trị thương mại – dịch vụ – du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao đổi với các đại biểu tại Đại hội.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Thạch Thất là huyện đi đầu thành phố về đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, cấy và thu hoạch lúa. Huyện tuyển chọn và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã vận động nhân dân nhân rộng các mô hình trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát cho thu nhập cao gấp 3 – 5 lần so với trồng lúa. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 167 mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 1.400 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình số 02 – CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân”, Thạch Thất đã tập trung xây dựng nhiều chương trình, đề án, dự án với sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Huyện đã đầu tư 3.700 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, huy động xã hội hóa được trên 1.500 tỷ đồng và 20.100m2 đất. Sau gần 5 năm thực hiện, đến nay, Thạch Thất có 10 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại cố gắng phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và 2016. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Trên địa bàn huyện, 100% các thôn có nhà văn hóa, các trung tâm văn hóa, sân thể thao, điểm bưu điện… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện của người dân. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu được huyện hết sức coi trọng. Các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng được tôn tạo, giữ gìn là điểm tham quan, nghiên cứu, học tập nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được đẩy mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu. Sự nghiệp giáo dục đào tạo được Thạch Thất hết sức coi trọng. Toàn huyện có 39/77 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đạt chuẩn quốc gia. 23/23 xã, thị trấn đều có Hội khuyến học, nhiều thôn và hầu hết các dòng họ có quỹ khuyến học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020.
Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội.
Phát huy kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2015-2020, BCH Đảng bộ huyện Thạch Thất đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 10 nhóm nhiệm vụ nhằm thực hiện một số chỉ tiêu: Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,68%, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 70 triệu đồng/năm; 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đạt chuẩn quốc gia; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 1,5% …
Đại hội bầu 43 đồng chí vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, bầu 8 đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.
Tuấn Anh