Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3993/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Cầu Đơ, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Cầu Đơ, với nội dung: tu bổ, tôn tạo Tả mạc, Hữu mạc, nhà thủy đình, ao đình; đảo ngói phương đình, đại bái, hậu cung; cải tạo, xây dựng tường rào, nhà vệ sinh và sân vườn, hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lưu ý: Tu bổ, tôn tạo nguyên trạng Tả mạc, Hữu mạc trên cơ sở giữ nguyên mặt bằng công trình; tu bổ, bảo tồn hệ thống cột và tường bao xây gạch; tái sử dụng tối đa ngói lợp còn khả năng sử dụng.
Đối với phương án tôn tạo thủy đình: hệ thống cột và lan can xây gạch hoặc làm bằng vật liệu gỗ. Đồng thời nghiên cứu hình thức kiến trúc tòa phương đình hiện có để điều chỉnh thiết kế tôn tạo thủy đình cho phù hợp với kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó không xây dựng bình phong (lan can 1) trên tường rào ao.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có ý kiến để UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện Báo cáo kinh tế – kỹ thuật, công bố công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Đình Cầu Đơ trước kia thuộc xã Hà Cầu, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, nay là phường Hà Cầu, thành phố Hà Nội. Theo sử sách ghi lại, đình Cầu Đơ có từ thế kỷ XV, được dựng ven sông Nhuệ, cách trung tâm thành phố Hà Nội (ngày nay) khoảng 10km. Đình thờ tướng quan Đỗ Bí, người có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh lập ra triều Hậu Lê. Vào đời vua Lê Hy Tông (1676) Đỗ Bí được sắc phong làm Thành Hoàng làng Cầu Đơ. Hàng năm cứ đến ngày 14, 15 tháng Giêng, nhân dân ở làng Cầu Đơ lại tổ chức lễ cúng Thành Hoàng.
Đình Cầu Đơ có nhiều mảng chạm khắc với giá trị nghệ thuật cao với nội dung đề tài phong phú: tứ linh, tứ quý; đề tài thực vật… Qua những mảng trang trí còn lại ở đình Cầu Đơ đã cho thấy được ý nghĩa, quan niệm của người dân về thế giới xung quanh, nói lên những ước vọng, những ý muốn ẩn sâu sau nội dung của các mảng trang trí này. Những di vật thuộc hệ thống di vật bằng gỗ bao gồm: một kiệu long đình, một kiệu bát cống, khám thờ, ngai thờ của các vị thần, một chiếc sàng thờ, hai chiếc nhang án, ngựa gỗ, đồ bát bửu, lỗ bộ, nhiều câu đối, hoành phi.
Những giá trị của đình Cầu Đơ đã khẳng định vai trò của ngôi đình này trong đời sống cộng đồng người dân làng Đơ. Đình Cầu Đơ trở thành tâm điểm trong hoạt động tín ngưỡng của làng với lễ hội truyền thống là giá trị văn hóa phi vật thể quý báu mà ngôi đình cũng như người dân làng còn gìn giữ được.
Nhật Linh
Theo MaskOnline