Di sản – Bảo tồn

Thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Quận Công Nguyễn Đình Huấn

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản 4831/BVHTTDL-DSVH gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 4297/UBND-KGVX ngày 17/9/2018 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Quận Công Nguyễn Đình Huấn, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (kèm theo Biên bản họp xin ý kiến nhân dân ngày 17/5/2018 và hồ sơ Dự án). Sau khi nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đồng ý Thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Quận Công Nguyễn Đình Huấn, bao gồm các hạng mục: tu bổ đền thờ, phụ hồi Tiền tế; tôn tạo, xây dựng Nghi môn, giếng đền, nhà phụ trợ, sân vườn, tường rào và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo Chủ đầu tư lưu ý, nghiên cứu đề xuất giải pháp kỹ thuật bảo quản các hiện vật đá, nhất là hiện vật không gắn với kiến trúc (bia, tượng, khám thờ, bàn thờ)

Bộ VHTTDL có ý kiến, đồng thời đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung Dự án trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Đền là nơi thờ Quân công Nguyễn Đình Huấn hay còn gọi là Đền Yên Thường, một vị Quận công xuất thân từ quan võ, trông nọm việc trị án ở  kinh thành Thăng Long. Đền được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 18 (thời Lê), mang nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật. Về nghệ thuật, ngôi đền đạt trình độ cao mà các di tích cùng loại đương thời không sánh kịp. Nét nổi trội của đền là các đồ thờ bằng đá. Mở đầu là đôi chó đá khá lớn, trông đơn giản nhưng đầy tính dân gian; trong Tam quan là bộ hộ sĩ đá, hai tượng võ cầm chùy, đầu đội mũ bì biện vành kim khôi cánh hoa cúc, áo mặc hai lớp, ở vai ngực có các mặt hổ phù chạm nổi. Qua Tam quan đến sân có bốn tượng võ cầm kiếm đứng chầu…

Trong đền thờ ở gian ngoài có năm nhang án. Riêng nhang án đặt chính giữa, ở hai góc ngoài là đôi sư tử, phía trong là hai lọ hoa, giữa là bát hương. Tất cả tạo thành một khối đá với bốn mặt khắc chữ Hán niên đại Cảnh Hưng. Hai nhang án bên nhỏ hơn bày theo chiều dọc. Gian hậu cung có một khán đá và hai bài vị ở hai bên đặt trên một phiến đá lớn hình chữ nhật, chạm khắc theo hình kiểu long đỉnh, bốn góc mái khum có chỏm.

Đền còn lưu giữ quyển Tộc phả Nguyễn Đình ghi từ đời Quận công Nguyễn Đình Huấn, do cử nhân Ngô Đông sao chép năm 1940.

T.T (t/h)

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *