Văn hóa cơ sở

Thanh Trì “hồi sinh” các dòng sông

(HNM) – Thanh Trì là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng phát triển chưa tương xứng nên hằng ngày vẫn có lượng lớn nước, chất thải chưa qua xử lý, xả trực tiếp xuống các dòng sông trên địa bàn, gây ô nhiễm nặng. Thời gian qua, huyện đã […]

(HNM) – Thanh Trì là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng phát triển chưa tương xứng nên hằng ngày vẫn có lượng lớn nước, chất thải chưa qua xử lý, xả trực tiếp xuống các dòng sông trên địa bàn, gây ô nhiễm nặng. Thời gian qua, huyện đã nỗ lực cải tạo, nạo vét, làm sạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ – đoạn chảy qua địa bàn, bước đầu lấy lại môi trường trong sạch cho các dòng sông.

Đoạn sông Tô Lịch qua địa bàn xã Vĩnh Quỳnh đã được thu dọn sạch rác.
Màu xanh trở lại

Đoạn sông Tô Lịch chảy qua huyện Thanh Trì với chiều dài khoảng 10km. Những năm trước, dòng sông đã “bôi đen” khu vực này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng vì bị ô nhiễm trầm trọng… Năm 2016, Huyện ủy Thanh Trì ban hành nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo vệ môi trường”. Theo ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, sau một thời gian tuyên truyền tích cực, toàn bộ 6 xã, thị trấn có sông Tô Lịch chảy qua đã tập trung nhân lực, vật lực nạo vét được 2.000m3 rác và đất thải… để khơi thông dòng chảy.

Đặc biệt, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất ở hai bên bờ sông cũng được giải tỏa. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết: Khúc sông Tô Lịch qua địa bàn xã dài 1.560m hiện đang có môi trường sạch, đẹp bởi toàn bộ rác, bùn đã được nạo vét, hai bên bờ sông chỉnh trang sạch sẽ. Nhiều hộ gia đình đã tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công đường giao thông và trồng cây xanh. Để chống tái lấn chiếm, xã vận động nhân dân thực hiện “ba không”: không vứt rác ra sông, không bắt tôm cá trên sông, không dựng lều quán bán hàng. Đến nay, việc này đang phát huy hiệu quả.

Về phía người dân, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Cường, Trưởng thôn Tự Khoát (xã Ngũ Hiệp) phấn khởi nói: Từ nhiều năm nay, sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Vì vậy, khi địa phương phát động làm sạch dòng sông, đông đảo nhân dân đã đồng tình ủng hộ, tình nguyện góp công để nạo vét bùn đất, vớt rác… đưa dòng sông trong lành trở lại, tạo diện mạo tươi mát cho toàn vùng.

Tiếp tục cải tạo dòng sông Nhuệ
Không chỉ có sông Tô Lịch, huyện Thanh Trì còn 13km sông Nhuệ chạy qua cũng trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nên huyện tiếp tục động viên toàn dân vào cuộc cải tạo môi trường sông Nhuệ. Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Đức Quỳnh cho biết: Ngày 28-3 vừa qua, huyện đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND về cải tạo, vệ sinh môi trường sông Nhuệ (đoạn qua địa bàn huyện) gắn với thực hiện trật tự an toàn giao thông, đô thị công cộng tại các xã: Tả Thanh Oai, Hữu Hòa. Nhiệm vụ trọng tâm là cắt tỉa cây xanh; thu gom rác thải, phế thải xây dựng; đồng thời, vận động hộ kinh doanh tự giác tháo dỡ lều lán, tập kết vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng, lề đường, bờ sông… Sau gần 1 tháng triển khai đã thu gom được hàng nghìn mét khối phế thải xây dựng và rác thải; nhiều công trình lều lán vi phạm được tháo dỡ…

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết: Trên địa bàn xã có 369 công trình vi phạm ở cơ đê sông Nhuệ. Để xử lý dứt điểm, xã đã vận động, tuyên truyền người dân tự tháo dỡ. Qua đó, hơn 40 hộ ở gần cầu Hữu Hòa, cầu Cự Đà và các đoạn đường hẹp, khúc cua khuất tầm quan sát đã nghiêm túc tự giải tỏa. Thời gian tới, xã tiếp tục bám sát cơ sở, xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh; hằng tuần đôn đốc tiến độ, kịp thời giải quyết vướng mắc để trả lại môi trường xanh – sạch – đẹp trên địa bàn.

Vốn là địa danh “nổi tiếng” vì có những khúc sông “đen”, nhưng nhờ cách làm quyết liệt, đồng lòng của chính quyền, nhân dân huyện Thanh Trì, những dòng sông nơi đây đang xanh trở lại, mang đến cho cả vùng hơi thở tươi mới, trong lành…

Theo Báo Hà Nội mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *