Năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết tâm vượt khó trong xây dựng, phát triển thành phố. Nhờ vậy, Hà Nội tiếp tục duy trì sự phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội, tạo lập cơ sở vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn.
Kinh tế tăng trưởng cao
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong giai đoạn 2015-2020; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2010-2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP của Hà Nội ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tương đương 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt 7,12%/năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt kết quả tích cực, vốn huy động liên tục tăng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của thành phố tăng 15 bậc, lên vị trí thứ 9 cả nước.
Bằng những giải pháp quyết liệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng và vượt dự toán, ước đạt gần 1.200.000 tỷ đồng, tăng 11,1%/ năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015. Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn trước, bằng 39,2% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Hà Nội cũng có hợp tác giao thương chặt chẽ với nhiều địa phương trong toàn quốc (đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với trên 50 địa phương), nhất là Vùng Thủ đô và tam giác phát triển kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Xã hội ổn định và phát triển mọi mặt
Song song với phát triển kinh tế, 5 năm qua, công tác phát triển đô thị, nông thôn; phát triển văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học… của Thủ đô đều có bước chuyển biến ấn tượng góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh…
Thành phố tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Ước tính đến năm 2020, diện tích đất đô thị dành cho giao thông, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của thành phố đều tăng, ước đạt lần lượt là 10,05% và 20,05%. Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô; từng bước phát triển vùng đô thị khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài. Đến nay, Hà Nội đã đạt diện tích nhà ở bình quân 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 49,2%. Hà Nội đã hoàn thành trồng mới 1 triệu cây xanh trước 2 năm và đang trồng thêm 600 nghìn cây xanh.
Cũng trong nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư cấp nước sạch cho người dân ven đô, nông thôn. Đến cuối năm 2019, 100% hộ dân ở đô thị và 75% hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 đạt 37%), vượt chỉ tiêu đề ra.
Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Đến cuối năm 2020, toàn thành phố có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước thời hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2016.
Đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, Hà Nội tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy. Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục – đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao.
Đặc biệt, tiếp tục phát huy truyền thống, 5 năm qua Hà Nội chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời; ngoài ra còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có của Hà Nội. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của thành phố đạt 90,1%. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Nội đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Hà Nội cũng đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm, đến nay cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Cùng với những kết quả nổi bật trên đây, 5 năm qua, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố. Trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế của thành phố được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng. Hà Nội còn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Có thể nói, không những cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, mà vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Đây chính là những cơ sở để thành phố đặt ra những mục tiêu cao hơn, xa hơn trong giai đoạn tới.
Quốc Bình