Đúng vào thời điểm cuộc chinh phục chỉ tiêu giành suất tham gia chính thức Olympic Rio 2016 của TTVN gặp nhiều thách thức, thì Hà Nội – Trung tâm số 1 của thể thao quốc gia đã “lên tiếng” khi liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng qua đã mang về 6 tấm vé đến với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Cách đây 4 năm, Thể thao Việt Nam đã từng lập được kỷ lục mới về số lượng thành viên khi đưa đến Olympic London 18 tuyển thủ của 11 môn. Dù kỳ thế vận hội ấy không có được huy chương, nhưng đây chính là cơ sở để các nhà quản lý thể thao quốc gia đặt ra chỉ tiêu phấn đấu giành từ 15 đến 18 suất tham dự chính thức Olympic Rio 2016. Chỉ tiêu này không chỉ để chứng minh cho sức phát triển của Thể thao Việt Nam theo “chuẩn” Olympic mà rõ ràng còn là “điều kiện cần” trước khi nghĩ đến việc tranh chấp huy chương.
Nhưng “đi đông” đến Thế vận hội chưa bao giờ là chuyện dễ. Giữa năm 2015 mặc cho đoàn Thể thao Việt Nam thành công vang dội tại SEA Games 28 ở Singapore với sự tỏa sáng của các môn cơ bản, thì hết năm chúng ta cũng chỉ mới có 6 vé chính thức dự Olympic Rio 2016 của: Bắn súng (2); Bơi (1) và Cử tạ (3). Với quỹ thời gian chỉ còn 6 tháng của năm 2016 cho tất cả các cuộc đấu vòng loại ở cả cấp độ châu lục lẫn thế giới (Olympic Rio khai mạc vào tháng 8/2016 và danh sách tham dự chính thức được gút vào tháng 6/2016), thì đây là thách thức không hề nhỏ về chuyên môn.
Trở lại với Hà Nội, cũng như Thể thao Việt Nam, thể thao Thủ đô sớm đưa đấu trường châu lục, thế giới và đặc biệt là Olympic vào mục tiêu của mình nhằm tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ mới sau thời gian dài chỉ trông vào các thế mạnh cũ. Tuy nhiên, Olympic luôn là thách thức lớn mà bằng chứng là tại Olympic London 2012, Hà Nội chỉ đóng góp 6 trong tổng số 18 tuyển thủ Việt Nam tham dự với: Đỗ Ngân Thương, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ); Phạm Thị Hài (Rowing); Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo); Nguyễn Thị Lụa (vật) và Nguyễn Thị Thúy (cử tạ). Cũng cần phải nói thêm là kế thúc năm 2015, chưa có tuyển thủ Hà Nội nào giành được vé đến Rio.
Khó khăn là không thể phủ nhận, nhưng cũng chính vào thời điểm thách thức chung ấy của cả nền thể thao nước nhà, Hà Nội thêm lần nữa chứng tỏ được vai trò đầu tàu của mình. Tại vòng loại Olympic 2016 môn vật của khu vực châu Á tổ chức ở Kazakhstan vào tháng 3 vừa qua, đô vật nữ Nguyễn Thị Lụa (53kg) đã xuất sắc mang về suất thứ 7 dự Olympic Rio cho Thể thao Việt Nam và là suất đầu tiên cho Thể thao Hà Nội. Đây cũng là lần thứ hai, Nguyễn Thị Lụa góp mặt chính thức ở 1 kỳ Olympic. Chưa dừng lại ở đó, cũng ở vòng loại môn vật này, Vũ Thị Hằng mang về suất thứ 8 ở hạng hạng 48kg nữ.
Đường đã mở và tới lượt các kiếm thủ lập nên kỳ tích mới khi lần đầu tiên giành đến 3 suất chính thức đến Thế vận hội tại giải đấu kiếm vòng loại Olympic Rio 2016 khu vực châu Á diễn ra tại Wuxi, Trung Quốc vừa kết thúc hôm 11/4 vừa qua. Ba kiếm thủ Vàng gồm: Vũ Thành An (kiếm chém cá nhân nam); Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm 3 cạnh đơn nữ) và đặc biệt là tấm vé thứ hai dự Olympic của tay kiếm nữ kỳ cựu Nguyễn Thị Lệ Dung tại nội dung (kiếm chém cá nhân nữ).
Và gần nhất, Thể thao Việt Nam và Hà Nội lại đón thêm 1 tin vui mới, tại giải Thể dục dụng cụ tiền Olympic Rio 2016 đang diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil, tuyển thủ Phạm Phước Hưng tham gia tranh tài nội dung toàn năng và với 84 điểm, anh xếp hạng 16 để để giành một trong 25 suất dự Thế vận hội 2016. Đây là lần thứ hai Phước Hưng giành vé dự Olympic, lần đầu cách đây bốn năm tại London (Anh), khi đó anh đoạt vé thẳng, nhờ tấm HCĐ ở giải vô địch thế giới.
Với thêm 6 suất của Hà Nội, hiện Thể thao Việt Nam đã có được 13 tấm vé đến với Rio 2016 để gần hơn với chỉ tiêu đề ra.
Hiện Thể thao Việt Nam đã có 13 VĐV đoạt vé dự Olympic 2016 là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Như Hoa, Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm), Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ) và ba suất của môn cử tạ.
MINH DŨNG
Theo Thể thao ngày nay