Để đạt được mục tiêu giành 3-4 HCV tại ASIAD 18, ngành TDTT đang ráo riết chuẩn bị để hướng tới một kỳ Đại hội thành công
Đại hội Thể thao châu Á – ASIAD 18 là nhiệm vụ trọng tâm của Thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2018. Tại đấu trường này, TTVN đặt ra mục tiêu giành từ 3-4 Huy chương Vàng. Để đạt được mục tiêu này, ngành TDTT đang ráo riết trong công tác chuẩn bị để hướng tới một kỳ Á vận hội thành công.
Tại ASIAD 18, được sự đồng ý của Liên đoàn Thể thao châu Á, nước chủ nhà Indonesia sẽ tổ chức 40 môn với 67 phân môn, 462 bộ huy chương. Đây là Đại hội Thể thao mùa hè lớn nhất châu Á, có sự tham dự của các cường quốc về thể thao có thành tích cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Kazakhstan, Uzbekistan…
Để chuẩn bị cho ASIAD 18, ngành thể thao Việt Nam đã lên một kế hoạch mang tính tổng thể, có chiều sâu và mang nhiều tham vọng. Theo ông Hoàng Xuân Vinh – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT), Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham gia hơn 23 môn thể thao thế mạnh. Ngay từ năm 2017, khoảng 400 VĐV xuất sắc nhất đã được tập trung cho chiến dịch ASIAD 18. Đầu năm 2018, Tổng cục TDTT gút lại còn hơn 200 VĐV chính thức để đầu tư cho mục tiêu giành từ 3 đến 4 HCV tại đấu trường này.
Với mục tiêu đạt kết quả cao nhất tại ASIAD 18, hiện nay, nhiều đội tuyển của Việt Nam đã đưa VĐV tập huấn dài hạn, thi đấu quốc tế để vừa kiểm tra kết quả và tích lũy kỹ năng.
Không chỉ tập huấn trong nước, một số VĐV nổi bật ở các môn bơi lội, điền kinh sẽ tập huấn dài ngày tại Mỹ và châu Âu. Nhiều đội tuyển khác như: karatedo, vật, thể dục dụng cụ, bắn súng… cũng được đi tập huấn nước ngoài ngắn hạn và tham dự nhiều giải đấu quốc tế.
Sau thành tích với 8 HCV tại SEA Games 29 năm 2017, ngay từ đầu năm nay, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã sang Mỹ tập huấn dài hạn cho nhiệm vụ ASIAD 2018. Cùng tập huấn tại Mỹ còn có kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn (16 tuổi, HCV nội dung 400 m hỗn hợp nam tại SEA Games 29). Đây là hai niềm hy vọng của bơi lội Việt Nam tại Đại hội Thể thao châu Á lần này.
Một nữ VĐV điền kinh triển vọng khác là Lê Tú Chinh cũng đã lên đường tập huấn tại Mỹ từ đầu tháng 3/2018, với chu trình tập luyện dài ngày tại Học viện IMG bang Florida (Mỹ).
Cùng với đó, VĐV giàu tiềm năng khác là “cô gái Vàng” của xe đạp Việt Nam Nguyễn Thị Thật (HCB ASIAD 2014) đang có chuyến tập huấn dài ngày tại Thụy Sĩ. Trong thời gian này, cô đã giành giải Nhì cuộc đua Vô địch xe đạp Pháp và giải Nhất tại chặng đua Grand Prix of Crevoisier 2018 ở Les Genevez, Thụy Sỹ…
Với quyết tâm giành được HCV tại ASIAD 2018, theo kế hoạch, 7 VĐV cử tạ, gồm: Trần Lê Quốc Toàn, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Tuấn Anh, Đinh Xuân Hoàng, Vương Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy và Hoàng Thị Duyên vào 20/5 tới sẽ lên đường đi tập huấn tại Trung Quốc với thời gian hơn 2 tháng.
Để tăng cơ hội cọ sát trước Á vận hội, Đội tuyển Bóng bàn nam cũng vừa tham dự giải bóng bàn đồng đội thế giới 2018 từ ngày 29/4-2/5 tại Thụy Điển. Giải đấu là cơ hội tốt để các tay vợt hàng đầu Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các tay vợt hàng đầu thế giới nhằm hoàn thiện, nâng cao trình độ, hướng tới ASIAD. Sau giải đấu này, đội tuyển sẽ sang Hungary tập huấn từ đầu tháng 5.
Ngoài quan tâm về tập huấn thi đấu ở nước ngoài, ngành TDTT còn quan tâm đến chế độ cho VĐV. Trong công tác huấn luyện, các giải pháp về khoa học công nghệ, y sinh học, tâm lý sẽ được ngành TDTT áp dụng mạnh mẽ cho các VĐV. Trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cũng được ngành TDTT đầu tư tối đa nhằm tạo điều kiện tốt nhất để VĐV yên tâm thi đấu giành thành tích cao tại ASIAD 18…
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng được ngành TDTT quan tâm hơn đối với các VĐV mũi nhọn. Từ nhiều năm nay, thể thao Việt Nam đã chú ý đầu tư cho các VĐV, HLV trọng điểm. Chuẩn bị cho “chiến dịch” ASIAD 18 tại Indonesia, Tổng cục TDTT đã lên danh sách 62 VĐV, HLV trọng điểm và trả mức tiền công, tiền ăn 800 nghìn đồng/người/ngày (tiền công: 400 nghìn đồng, tiền ăn 400 nghìn đồng). Với mức chế độ này phần nào tạo động lực giúp các VĐV, HLV yên tâm cống hiến để đóng góp cho đội tuyển quốc gia.
Lãnh đạo ngành thể thao cho biết, sau 7 năm đi vào thực tiễn, Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với HLV, VĐV đã bộc lộ một số bất cập và lạc hậu so với thực tế. Lãnh đạo ngành thể thao cho biết, hiện ngành TDTT đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định “Quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu” với nhiều đãi ngộ lớn về tiền công và tiền thưởng cho các VĐV, HLV. Nếu được ban hành, Nghị định mới này sẽ giúp các VĐV, HLV có được sự đãi ngộ xứng đáng với những nỗ lực, khổ luyện mà họ đã bỏ ra, giúp họ yên tâm, gắn bó và cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà.
HÀ THANH
Theo Thể thao ngày nay