Triển lãm

“Thắp lửa yêu thương” kể câu chuyện về niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt của các chiến sĩ yêu nước nơi ngục thất Hoả Lò

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; vinh danh sự cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày trực tuyến “Thắp lửa yêu thương”.

Trưng bày kể câu chuyện về các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam nơi ngục thất Hoả Lò, với niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt, đã sát cánh, kề vai nhau trong đấu tranh, yêu thương nhau trong cuộc sống hằng ngày, vượt qua những khắc nghiệt nơi ngục tù tăm tối.
Tình yêu thương, sự sẻ chia, đoàn kết bền chặt trong Hoả Lò ngày ấy đã trở thành ngọn lửa thiêng, thành mạch nguồn nuôi dưỡng sức sống, tiếp thêm động lực để khi được tự do, các đồng chí lại hòa mình vào dòng thác cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngọn lửa ấy được trao truyền cho các thế hệ hôm nay, để lan toả đi những suy nghĩ, hành động tích cực về tình yêu thương giữa con người với con người.
Qua 2 nội dung “Mạch nguồn yêu thương” và “Lửa thiêng cháy mãi”, trưng bày là lời tri ân sâu sắc những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh trong ngục tù thực dân, góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia.
Trong phần 1 “Mạch nguồn yêu thương” đã tái hiện cuộc sống lao tù khắc nghiệt của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bước chân vào “chốn địa ngục trần gian”. Để đày đọa và dập tắt ý chí phản kháng của tù nhân, nhà cầm quyền thực dân đã thực thi chế độ giam cầm vô cùng hà khắc. Chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đoạ đày, lao dịch nặng nề nhanh chóng vắt kiệt sức khoẻ của người tù, nhiều người thậm chí đã bỏ mạng trước khi hết hạn tù. Chính vì thế, các tù nhân liên tục tổ chức những cuộc đấu tranh tuyệt thực với các khẩu hiệu yêu cầu nhà cầm quyền cho ăn uống đủ tiêu chuẩn và bảo đảm chất lượng, vệ sinh… Dù bị kẻ địch đàn áp dã man, những thân tù đã kiệt sức và đói lả vẫn không sờn lòng, nhụt chí, người khỏe xông lên đỡ đòn cho người yếu. Sức mạnh đấu tranh đã kết thành làn sóng, khiến cho kẻ địch nhiều khi khiếp sợ và nhượng bộ giải quyết yêu cầu của tù nhân.

Một số hình ảnh tại trưng bày.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (tù binh bị giam tại căng 1, Nhà tù Hỏa Lò tháng 6/1948 – 8/1948) kể lại trong Hồi ký “Quyết tung cánh bay về bầu trời tự do” của mình rằng: “Tôi không thể quên những lúc ốm đau tưởng chết, anh em đã vận động y tá nhà tù buộc đưa tôi đi cứu chữa ở Nhà tù Nhà Tiền, đun cơm nguội thành cháo cho tôi ăn. Tình đồng chí, đồng đội chăm sóc nhau lúc đau yếu, nhường cơm, sẻ áo thể hiện cụ thể, sâu sắc thấm thía vào gan, vào thịt.”.
Mỗi sự cải thiện dù là nhỏ nhất trong đời sống sinh hoạt của tù nhân, đều phải đánh đổi bằng máu, xương, bằng cả sinh mạng, nhưng là thêm một lần, bản lĩnh chính trị của người cộng sản được tôi luyện, tinh thần đoàn kết càng thêm xiết chặt. Nơi lao tù khổ ải, anh chị em luôn nhường cơm sẻ áo, quan tâm, chăm sóc cho nhau khi ốm đau bằng những lời động viên chân tình, nhường cho nhau từng viên thuốc, quả bàng, bát cháo… Tình bạn, tình đồng chí trong ngục tù vẫn thắm thiết, ấm áp yêu thương đã góp phần nuôi dưỡng sức sống mãnh liệt, niềm tin về ngày mai tươi sáng.
Trong phần 2 “Lửa thiêng cháy mãi” giới thiệu những hình ảnh thế hệ hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống của cha anh, chung tay lan tỏa ngọn lửa của lòng yêu thương, tình tương thân tương ái trong xã hội. Ngọn lửa thiêng ấy đã góp phần thắp lên niềm tin, tạo động lực to lớn, để mỗi người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, để xây dựng đất nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.
Bằng tinh thần đoàn kết, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đại dịch Covid-19 hay trong bão lũ, chúng ta được thấy nhiều hình ảnh các chiến sĩ thầm lặng không quản hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch; những chuyến bay đưa những người từ vùng dịch trở về; những hoạt động sẻ chia yêu thương trong cả nước, thể hiện sự chung sức vì cộng đồng “thương người như thể thương thân”. Điều đó thể hiện cho sức mạnh, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta lại được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới.
Trong không gian trưng bày “Thắp lửa yêu thương”, du khách sẽ được thấy lại hình ảnh hai không gian được phục dựng lại theo nguyên mẫu, đó là: khu Bể tắm hình bát giác – nơi các nam tù nhân thường ra tắm tập thể và Phòng thăm nuôi, tiếp tế của tù nhân.
Cũng tại không gian trưng bày, các tài liệu, hiện vật quý gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của các cựu tù chính trị Nhà tù Hoả Lò cũng được giới thiệu đến công chúng.

Khu Bể tắm hình bát giác – nơi các nam tù nhân thường ra tắm tập thể được phục dựng lại theo nguyên mẫu.

Trưng bày ra mắt công chúng bắt đầu từ 22/7/2021 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 12/2021 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong tình hình hiện nay, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, trưng bày chuyên đề “Thắp lửa yêu thương” sẽ được giới thiệu trực tuyến qua kênh phát thanh duy nhất của Di tích Nhà tù Hoả Lò tại https://open.spotify.com/show/5N66ouc6AjF6AFLQyCseyx. Đây là lần đầu tiên Ban quan lý Di tích Nhà tù Hoả Lò giới thiệu trưng bày tới công chúng thông qua kênh phát thanh trực tuyến này. Chương trình hoàn toàn miễn phí, bao gồm nội dung trưng bày được cập nhật theo tuần và các câu chuyện lịch sử chọn lọc. Ngoài ra, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng giới thiệu các hoạt động trưng bày trên fanpage: https://www.facebook.com/hoaloprisonrelic.

Vy Vy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *