Thay đổi phương thức quản trị hành chính công là yêu cầu cấp thiết và là xu thế tất yếu khi thành phố Hà Nội lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả công việc hành chính.
Người dân là chủ
Từ nhiều năm nay, Hà Nội dành mọi nguồn lực nhằm thay đổi phương thức quản trị hành chính công, từ đó tác động, thay đổi phương thức quản trị xã hội trên địa bàn. Thực tế cho thấy, phương thức quản trị hành chính công trong thời gian qua của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt có nhiều “điểm sáng” về việc công khai, minh bạch trong thực hiện các nhiệm vụ. Đây chính là yếu tố giúp Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 của Hà Nội đạt 43,9049 điểm, nằm trong nhóm “cao”; trong đó, đáng chú ý có 2 chỉ số nội dung quan trọng là: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định với người dân”.
Thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hành chính công
Một “điểm sáng” nữa trong đổi mới phương thức quản trị hành chính công tại Hà Nội là thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Từ đó, thúc đẩy tính hiệu quả, tự chủ, năng động của cơ sở để phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận và thị xã đã gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.
Việc thúc đẩy cải cách hành chính công thời gian qua của Hà Nội còn nhờ kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), đầu tư hạ tầng, kết nối dữ liệu, chủ động thực hiện các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.
Đến nay, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố và các bộ, ngành. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đánh giá việc thực hiện Đề án 06, nhất là công tác triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của thành phố… để có giải pháp cụ thể, góp phần cải cách mạnh mẽ hành chính công.
HM