Sân khấu

“Thầy và trò” đề cập đến “mặt trái” đáng buồn của ngành giáo dục

Đề cập đến những “mặt trái” của môi trường giáo dục, vở kịch “Thầy và trò” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã đặt ra cho người xem nhiều suy ngẫm.

Thầy và trò là tác phẩm được tác giả Nguyễn Đăng Chương viết theo ý tưởng và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Vở diễn được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam bởi đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu.
Chuyện kịch xảy ra tại một trường đại học khi mà thầy hiệu trưởng Trung bất ngờ biết được Linh và Thông, hai sinh viên giỏi của trường viết đơn xin thôi học. Cũng từ đây mà nhiều việc làm sai trái của những đồng nghiệp cấp dưới của ông dần được phơi bày…
Là hiệu trưởng, ông Trung đã tin tưởng cấp dưới đến mức giao mọi công việc cho Long – Hiệu phó và Lan – trưởng phòng đào tạo. Lợi dụng quyền hành trong tay, Long và Lan cặp kè với nhau và trở thành những kẻ lộng quyền ở trường. Được giao nhiệm vụ về công tác đào tạo, họ nhận tiền của thí sinh mua điểm để chạy vào trường, bỏ bê việc giáo dục. Việc làm của những người thầy, người cô thoái hóa đạo đức đã khiến cho ngôi trường này phát sinh nhiều tệ nạn: nữ sinh phá thai, sinh viên đánh nhau, nghiện hút… Tệ hại hơn, Long còn ép nữ sinh phải quan hệ bất chính, nếu không ông ta sẽ trù ép…
Không chỉ thế, bằng quan hệ và chạy chọt, Long và Lan đã khoác lên cho ngôi trường nhiều thành tích với Huân chương và Bằng khen… Những việc làm sai trái này đã khiến cho không ít sinh viên trong trường cảm thấy chán nản, thiếu niềm tin.
Đỉnh điểm của sự việc là Thông và Linh – hai sinh viên đã từng đỗ thủ khoa và liên tục nhiều năm học liền là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của trường làm đơn xin nghỉ học. Biết sự việc này, Long và Lan còn dựng lên câu chuyện không có thật về Linh và Thông nhằm che mắt hiệu trưởng Trung về những việc làm sai trái của mình… Hơn thế nữa, khi biết những việc làm của mình có nguy cơ bại lộ, “cặp đôi lộng quyền” đã không từ thủ đoạn nào kể cả tạo ra một vụ “tai nạn” nhằm trả thù đồng nghiệp…
Câu chuyện của  Thầy và trò đã đề cập một cách trực diện, mạnh mẽ đến những tiêu cực, những mặt trái đáng buồn của ngành giáo dục. Trong đó một bộ phận nhỏ giáo viên thoái hóa, biến chất đã làm mất đi sự tôn nghiêm, trang trọng của môi trường giáo dục, làm mất niềm tin và sự kính trọng của học trò dành cho thầy, cô.  Câu chuyện kịch không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi nhà trường, mà còn có ý nghĩa và ảnh hưởng tới xã hội.
Thầy và trò có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ diễn viên được yêu mến của Nhà hát Kịch Việt Nam: NSƯT Trung Anh (vai hiệu trưởng Trung), NSND Lan Hương (vai cô giáo Nhân), NS Minh Hiếu (Vai hiệu phó Long), NS Phương Nga (vai Lan – Trưởng phòng đào tạo), NS Thanh Giang (vai Linh), NS Sơn Tùng (vai Thông)… Vở kịch được ra mắt vào những ngày cuối năm học nên đây sẽ là tác phẩm hứa hẹn sẽ mang lại những đóng góp tích cực cho ngành giáo dục, góp một tiếng nói nho nhỏ trong sự nghiệp đào tạo, sự nghiệp trồng người được vững vàng và trong sáng hơn.
Dự kiến sau khi công diễn tại Hà Nội,  Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ đưa vở diễn Thầy và trò đến biểu diễn tại nhiều trường học ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lan Hương

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *