Hãy cùng đến với những câu chuyện hậu trường chưa từng được hé lộ về quá trình xây dựng các thiên cảnh hùng vĩ và hoành tráng trong Cỗ máy tử thần.
Cỗ máy tử thần (Tựa gốc: Mortal Engines) đang là bom tấn viễn tưởng đậm chất sử thi được giới mộ điệu săn đón nhất dịp cuối năm 2018 này. Khởi chiếu trước Mỹ sớm hơn 1 tuần, chỉ sau 3 ngày ra mắt tại Việt Nam, bộ phim đã nhanh chóng giành lấy vị trí quán quân phòng vé tuần với 316.340 USD thu về, tương đương khoảng 7,5 tỷ đồng. Với tư cách là một tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Peter Jackson và các cộng sự sau 4 năm kể từ phần cuối của The Hobbit, bên cạnh những khía cạnh nội dung và chiều sâu kịch bản, chắc chắn tất cả những fan ruột của “huyền thoại dòng phim viễn tưởng” Jackson đều rất quan tâm đến hậu trường thiết kế sản xuất – vốn là yếu tố được đặt lên hàng đầu mỗi khi nhắc tới các tác phẩm của nhà sản xuất tài hoa này. Hãy cùng đến với những câu chuyện hậu trường chưa từng được hé lộ về quá trình xây dựng các thiên cảnh hùng vĩ và hoành tráng trong Cỗ máy tử thần.
Bức tranh viễn cảnh thế giới tương lai vào năm 3718, hoang vắng và điêu tàn sau đại thảm họa toàn cầu
Để bắt tay vào xây dựng thế giới cho Cỗ máy tử thần, điều cốt lõi đầu tiên mà các nhà làm phim cần làm là xác định đúng khoảng thời gian và bối cảnh của phim. Trong bộ tiểu thuyết gốc cùng tên Mortal Engines, mốc thời gian vốn không được xác định rõ ràng. Tuy nhiên khi lên phim, cả ekip đã quyết định sẽ lựa chọn một khoảng thời gian cụ thể hơn, ví dụ như trận đại họa Sixty Minute War sẽ diễn ra vào năm 2118 và bộ phim lấy bối cảnh là khoảng 1.600 năm sau thời điểm đó, nghĩa là năm 3.718.
Trong quá trình lên ý tưởng thiết kế cho một thế giới hậu tận thế, đạo diễn Rivers nhận thấy xuất phát điểm lý tưởng nhất chính là xác định xem những gì có thể còn trụ vững sau thảm hoạ nguyên tử xảy ra cách đó 100 năm. “Đó là nơi mà các công trình làm bằng kính đều đã bị phá huỷ, chỉ có các bức tượng đá là có thể đứng vững”, ông chia sẻ.
Trong tổng cộng hơn 70 bối cảnh đã được dàn dựng phục vụ cho các cảnh quay của Cỗ Máy Tử Thần thì bên cạnh những bối cảnh quy mô được xây dựng và thực hiện hoàn chỉnh bởi nhóm thiết kế, một số bối cảnh với quy mô nhỏ hơn cũng đã được dàn dựng phục vụ cho các cảnh quay có sự hỗ trợ của phông xanh. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất là không có bất cứ một bối cảnh nào là hoàn toàn được tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số. Chia sẻ về điều này, đạo diễn Christopher Rivers đã nói ông muốn chắc chắn rằng các diễn viên của mình luôn luôn có ít nhất một bối cảnh thực để có thể tương tác bởi điều này sẽ giúp họ có thể hoá thân trọn vẹn vào vai diễn của mình.
Các diễn viên tham gia trong phim, thậm chí kể cả những người đã từng hợp tác với các nhà làm phim của Cỗ máy tử thần từ trước, đều có chung một cảm giác vô cùng sửng sốt trước những gì mình được nhìn thấy trên phim trường. “Nếu như không có Dan Hennah, chúng ta sẽ không thể có được một Cỗ máy tử thần ấn tượng tới như vậy”, nam diễn viên Weaving trầm trồ nhận xét. “Bộ phận Mỹ thuật của ông ấy đã phụ trách tất cả mọi việc – từ những chi tiết nhỏ nhất cho tới những bối cảnh đồ sộ nhất.” Còn nữ diễn viên Hilmar thì tỏ ra cực kỳ phấn khích: “Bạn sẽ có cảm giác như thể mình đang đứng trong một ngôi nhà dành cho búp bê vậy. Tất cả những gì mà bạn từng mong muốn có được trong ngôi nhà của mình khi còn nhỏ đều xuất hiện ở đây. Và bạn thực sự có thể chơi với chúng”.
Những thành phố “ăn” thành phố, sẵn sàng thâu tóm, xâm chiếm lẫn nhau để giành vị thế và tài nguyên
Phe phản diện đứng đầu là thành phố London:
Phần quan trọng nhất trong việc thiết kế sản xuất cho Cỗ máy tử thần chính là xây dựng các cỗ máy chuyển động khổng lồ – chính là các thành phố, các vùng đất trên khắp thế giới ở thì tương lai hậu tận thế. Với tư cách là một trong những “nhân vật” chính của bộ phim, thành phố London được xây dựng là một pháo đài cực khổng lồ và hoành tráng nhất so với tất cả các cỗ máy chuyển động khác. Với chiều rộng xấp xỉ 1.5 km và chiều dài là 2.5 km, London của tương lai được chia 7 tầng, trong đó tầng dưới cùng là nơi các thành phố nhỏ lẻ bị nó “nuốt chửng” đồng thời cũng là nơi cấp điện và xử lý chất thải của thành phố này.
Càng di chuyển lên tầng cao thì không gian càng trở nên tươi sáng và nhộn nhịp hơn, đặc biệt là tầng trên cùng – nơi cư trú của giới thượng lưu của London. Đây cũng chính là nơi ở của những kẻ cầm quyền, và tại đây, người xem sẽ nhìn thấy rất nhiều công trình mang ý nghĩa lịch sử của London, trong đó bao gồm cả Toà thánh Old Saint Paul nổi tiếng. “Chúng ta đều đã quen thuộc với những hình ảnh của London. Nhưng bối cảnh này thực sự mang lại cho mọi người một cảm giác gì đó mới mẻ và khác lạ” họa sĩ tạo hình Keller nhận xét.
Phe chính diện với sự hiện diện của AirHaven:
Trong các bối cảnh thành phố của Cỗ máy tử thần, thành phố diệu kỳ Airhaven là bối cảnh gây ấn tượng và được yêu thích hơn cả. Thành phố mô phỏng của đất nước Thụy Sĩ này được cả ekip đánh giá là một trong những bối cảnh quy mô nhất. Với hình ảnh một cỗ máy trôi lơ lửng ở độ cao 5000 – 10000 feet trên bầu trời, được ghép bởi hàng trăm quả bóng bay khổng lồ được bơm đầy khí heli cùng hàng tá sợi dây thừng, dây vải để gia cố vững chắc cho cỗ máy.
Để tạo nên thành phố Airhaven, cả ekip đã phải mô phỏng 3 chiều thành phố với một công nghệ kết hợp cả thực tế lẫn kỹ thuật số mang tên HoloLens Holographic. Tiếp đến, họ xây dựng bối cảnh tại phim trường lớn nhất của hãng Stone Street, với độ dài lên đến 70 mét (bằng với bề rộng của sân bóng bầu dục), treo lơ lửng trên trần và được buộc chắc với sàn phim trường để đảm bảo an toàn. Những trở ngại trong việc tạo hiệu ứng cho Airhaven càng thể hiện rõ sự kỳ công của nhà sản xuất Peter Jackson và các cộng sự trong việc tạo ra Cỗ Máy Tử Thần. Y hệt đặc tính của bóng bay, gió là một nguyên tố không thể thiếu với một thành phố như Airhaven. Giám sát hiệu ứng Harens nhớ lại: “Chúng tôi phải sử dụng 10 cỗ máy tạo gió đặt ở sàn phim trường. Đối với những cảnh sau, chúng tôi lấp đầy studio với hiệu ứng khói mù an toàn để hít thở, và làm các phản ứng với CO2 để tạo ra các vụ nổ — bằng các cối khí, bóng đèn và bóng đèn flahs nháy. Không khí trong phim trường khá hỗn loạn, nhưng bù lại tạo hiệu ứng xuất sắc trong những thước phim”
Nguồn gốc của những vết nứt khổng lồ trên mặt đất bắt nguồn từ chính sự tàn phá của những “cỗ máy tử thần”
Một điểm đặc biệt dễ thấy từ các trailer của Cỗ máy tử thần là đa phần các sự kiện sẽ diễn ra trên một vùng đất vô cùng rộng lớn với đầy những vết nứt nở, tạo cảm giác giống một hoang mạc vĩ đại. Bộ phim mở đầu với cảnh quay tại Great Hunting Ground – một vùng đất cằn cỗi, trơ trọi trong tương lai với đặc điểm địa lý tương đồng với Châu Âu. Trong không gian đổ nát và bụi bặm nơi đây thật dễ dàng nhìn thấy các vết nứt lớn – thực chất chúng chính là những con đường mòn được tạo ra từ vết bánh xe của những cỗ máy khổng lồ London trong hành trình càn quét các thành phố nhỏ.
Những thành phố thực chất đều rất lớn, đến mức đều đem lại cho chúng ta cảm giác “như một con kiến tí hon đi trên những vết xe lăn bánh khổng lồ”, nhà thiết kế sản xuất Hennah nói. Và bởi vì những thành phố chuyển động khổng lồ phá vỡ bề mặt trái đất với lực và trọng lượng của chúng, các hiện vật thuộc về “công nghệ cũ” thường xuất hiện như rác rưởi. Hennah mô tả: “Nếu bạn bước dưới mặt đất 6 feet, có bề mặt các vật của thế kỷ 21 xuất hiện – như đĩa CD, DVD, túi nhựa và các gói bánh quy”. Một thế giới đầy sáng tạo là sự kết hợp của thì tương lai nhưng vẫn còn vương vấn những kỉ vật của quá khứ là thiên cảnh vô cùng đáng nhớ của Cỗ máy tử thần.
Cỗ máy tử thần là câu chuyện lấy bối cảnh hàng trăm năm sau khi nền văn minh đã bị phá hủy bởi một trận đại hồng thủy, loài người đã thích nghi với cuộc sống mới. Các thành phố di chuyển khổng lồ hiện đang đi khắp Trái đất, tìm cách cướp bóc các thị trấn nhỏ hơn. Tom Natsworthy (Robert Sheehan) – một gã đến từ một tầng thấp hơn của thành phố London – đang phải chiến đấu cho sự sống còn của chính mình sau khi gặp kẻ đào tẩu nguy hiểm Hester Shaw (Hera Hilmar). Hai nhân cách đối lập, với hai hướng đi hoàn toàn trái ngược, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ của họ đã tạo thành một liên minh để thay đổi vận mệnh tương lai.
Dựa theo tiểu thuyết phiêu lưu – viễn tưởng dài 4 phần từ tác giả Philipp Reeve, kịch bản của Cỗ máy tử thần là sản phẩm tiếp theo được nhào nặn bởi cặp vợ chồng tài năng Peter Jackson – Fran Walsh và cộng sự thân thiết: nhà biên kịch Philippa Boyens. Được cầm trịch bởi một nhà làm phim tài hoa bậc nhất về hiệu ứng kĩ xảo Christian Rivers, câu chuyện về những thành phố khổng lồ săn lùng và chiến đấu lẫn nhau để duy trì sự sống ở thời kì tương lai giả tưởng này được kì vọng sẽ trở thành một tượng đài tiếp theo trong văn hóa đại chúng – y như những gì mà bộ ba tài năng bậc nhất Hollywood về thể loại giả tưởng đã làm được với The Lord of the Rings và The Hobbit.
Cỗ máy tử thần khởi chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàn quốc kể từ ngày 07.12.2018.
Thư Nhã
Theo MaskOnline