Các bộ môn tiêu biểu đạt thành tích cao trong hoạt động thi đấu năm 2015 gồm: Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Wushu, Vật… Nhiều môn thế mạnh của Hà Nội đã đóng vai trò nòng cốt trong Đội tuyển quốc gia như: Cầu mây, vật, Wushu, Nhảy cầu, Taekwondo, Bắn sung, Bóng đá nữ, Điền kinh, Cử tạ, Đấu kiếm…
Giữ vững đơn vị dẫn đầu cả nước về phong trào TDTT quần chúng, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của thể thao thành tích cao, góp phần đưa thể thao nước nhà đứng trong top đầu Đông Nam Á, kết hợp hài hòa giữa thể thao truyền thống và hội nhập quốc tế. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Thể thao Thủ đô đặt ra trong năm 2016.
Giữ vững đơn vị dẫn đầu cả nước về phong trào TDTT quần chúng
Thể dục thể thao quần chúng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Số người tự giác tập luyện và tham gia thi đấu các môn thể thao trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại”.
Các em học sinh tham gia Hội khỏe phù đổng quận Hà Đông năm học 2015-2016.
Phát huy hiệu quả từ đầu tư trang thiết bị TDTT ngoài trời tại 2 điểm công cộng tại quận Ba Đình và quận Long Biên từ năm 2014, trong năm 2015, Sở VHTT Hà Nội đã tiếp tục đầu tư trang thiết bị TDTT ngoài trời lên 4 điểm. Mô hình này được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia tập luyện. Từ hiệu quả trên, một số quận huyện đã đầu tư ngân sách và kêu gọi xã hội hóa lắp đặt thêm thiết bị TDTT tại nhiều điểm vui chơi công cộng nữa. Tiêu biểu là quận Long Biên từ 01 điểm được đầu tư, quận đã phát triển thêm 30 điểm (với 16 điểm tại các vị trí như vườn hoa, công viên, điểm công cộng; 14 điểm tại các nhà văn hóa của tổ dân phố). Như vậy từ những điểm tập luyện mà Sở VHTT Hà Nội đầu tư đã trở thành mô hình điểm để các quận, huyện, thị xã mở rộng, phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân được trang bị dụng cụ tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe.
Công tác vận động xã hội hóa thu hút được các nhà tài trợ cho các giải đấu như Giải Bóng đá Cup Thăng Long; Giải Bóng bàn Cup Báo Hà nội mới; giải Chạy Báo Hà nội mới mở rộng, giải đua xe đạp tay ngang, giải cầu long Hà Nội, giải Bóng đá Cup Bia Sài Gòn, giải Gold mở rộng… tổng số tiền của các tổ chức xã hội đầu tư trên 10 tỷ đồng/năm.
Chỉ số về phong trào TDTT quần chúng năm 2015 trên địa bàn thành phố đạt số người luyện tập thể thao thường xuyên, 25% số hộ gia đình tập thể thao. Toàn thành phố có 3.180 câu lạc bộ TDTT… Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc về phong trào thể thao quần chúng.
Nhiệm vụ trọng tâm của TDTT quần chúng trong năm 2016 là tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác TDTT đặc biệt là để chào mừng các ngày lễ lớn. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp tiến tới Hội khỏe Phù Đổng Thành phố lần thứ IX năm học 2015-2016. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa TDTT quần chúng nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Củng cố xây dựng và phát triển trường lớp năng khiếu về TDTT quần chúng. Mở các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên, trọng tài và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Tổ chức các giải thể thao: 56 giải cấp thành phố, tham gia thi đấu các giải thể thao toàn quốc. Xây dựng thiết chế TDTT tại các khu vui chơi đạt hiệu quả.
Thể thao thành tích cao hướng tới đấu trường Olympic, Asiad
Các bộ môn tiêu biểu đạt thành tích cao trong hoạt động thi đấu năm 2015 gồm: Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Wushu, Vật… Nhiều môn thế mạnh của Hà Nội đã đóng vai trò nòng cốt trong Đội tuyển quốc gia như: Cầu mây, vật, Wushu, Nhảy cầu, Taekwondo, Bắn sung, Bóng đá nữ, Điền kinh, Cử tạ, Đấu kiếm…
Các vận động viên Hà Nội đạt được tổng cộng 2.041 huy chương các loại trong đó: 1.743 Huy chương trong nước (742 HCV, 490 HCB, 511 HCĐ); 298 Huy chương quốc tế (122 HCV, 92 HCB, 84 HCĐ).
Trong kết quả thi đấu chung của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, Thể thao Hà Nội đã phát huy rất tốt vai trò đơn vị chủ lực, giành tổng cộng 68 huy chương bao gồm 25 HCV, 18 HCB, 25 HCĐ, đạt tỷ lệ đóng góp lên tới 34,25% tổng số HCV của đoàn TTVN. Hà Nội giành huy chương ở 17 môn đấu trong số 22 môn thể thao đoàn TTVN giành được huy chương tại SEA Games 28. Đặc biệt, VĐV Hà Nội đoạt HCV ở nhiều môn mũi nhọn Olympic cho đoàn Thể thao Việt Nam như Thể dục dụng cụ (4 HCV), Điền kinh (3 HCV), Kiếm (6 HCV), Rowing (3 HCV).
VĐV Thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng.
Tuy vậy, Thể thao Thủ đô vẫn còn không ít việc phải làm trong năm tiếp theo để đạt được những kỳ vọng lớn hơn cho thể thao thành tích cao. Sở VH&TT Hà Nội, đã đưa ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cũng như phương hướng khắc phục những tồn tại, khó khăn của ngành nói chung, của Thể thao Hà Nội nói riêng. Đó là xây dựng Hà Nội là trung tâm đào tạo VĐV và trọng tài cho toàn quốc. Tập trung phát triển một số môn thể thao trọng điểm có khả năng đạt thành tích cao ở đấu trường châu lục và thế giới.
Xây dựng chương trình chiến lược nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học trong quản lý, tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo VĐV, phát triển các môn thể thao mới, đồng thời khôi phục phát triển các môn thể thao dân tộc. Tập trung vào công tác đào tạo các VĐV ở các môn thể thao trọng điểm, chú trọng các môn trong chương trình thi đấu của Olympic, Asiad. Tăng cường tổ chức các giải thi đấu cấp quốc gia và quốc tế, đặc biệt chú trọng ở các môn trong chương trình thi đấu ở Asiad và Olympic.
Xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 -2018 và SEA Games 31 năm 2021. Chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự Beach Games 2016 tại Đà Nẵng.
Tập trung phát triển thể thao quần chúng đồng thời với củng cố và phát triển vững chắc thể thao đỉnh cao; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các môn thể thao thế mạnh của Hà Nội và Việt Nam, nâng cao vị thế của thể thao Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.