Di sản – Bảo tồn

Thị xã Sơn Tây tăng cường quản lý các di tích, di sản văn hóa – lịch sử

Nằm ở phía Tây thành phố Hà Nội, Thị xã Sơn Tây là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có nhiều di tích, di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như Lăng Ngô Quyền, chùa Mía, làng cổ Đường Lâm, Mông Phụ, đền Măng Sơn, đền Và và lễ hội đền Và… Thị xã Sơn Tây hiện có 244 di tích; trong đó có 16 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 59 di tích xếp hạng cấp thành phố; có 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 65 lễ hội, 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và 08 di sản được ưu tiên bảo vệ…

Vinh dự và tự hào về mảnh đất quê hương, nhiều năm qua, các cấp chính quyền thị xã Sơn Tây đã rất chú trọng đến công tác quản lý di tích và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của địa phương. Công tác giáo dục, tuyên truyền các văn bản của Nhà nước về lễ hội và công tác quản lý di tích, lễ hội luôn được thị xã quan tâm. Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã đã làm tốt công tác tuyên truyền về giữ gìn và phát huy các giá trị di tích. Tại các di tích luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc của di tích, lễ hội và các nhân vật được thờ; về giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống được đề cao. Thị xã đã phát trên 8 vạn tờ rơi giới thiệu về Làng cổ Đường Lâm; biên soạn và xuất bản 3.000 cuốn “Cẩm nang du lịch Sơn Tây”, 700 cuốn “Sơn Tây – Truyền thống – Hiện tại – Tương lai’. Phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tổ chức 03 Triển lãm thông tin tuyên truyền lưu động; phối hợp với thủ đô Pudapet – Hung Ga Ri tổ chức Triển lãm ảnh Sơn Tây  để quảng bá hình ảnh về thị xã.

Việc tuyên truyền còn được Sơn Tây thực hiện thông qua việc giới thiệu, quảng bá về di tích lịch sử văn hóa trên Cổng Thông tin điện tử của thị xã, trên các cơ quan thông tin đại chúng và website du lịch Sơn Tây (dulichsontay.com), Website làng cổ Đường Lâm (duonglamvillage.com), fanpage “Diễn đàn thị xã Sơn Tây” đã có nhiều tác dụng, giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và con người Sơn Tây. Ngoài ra, Sơn Tây còn làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn khách tham quan thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, tín ngưỡng. Tại các di tích đều có lắp đặt bảng tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự, treo biển nội quy di tích ở nơi dễ thấy.

Di tích lịch sử Quốc gia đền Và

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, nhiều năm qua thị xã Sơn Tây đã phát huy hiệu quả vai trò của các Ban quản lý di tích, kết hợp chặt chẽ với sư trụ trì, người trông coi di tích để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, khai thác giá trị các di tích lịch sử văn hóa; làm tốt việc thống kê, kiểm kê, bảo quản các hiện vật, gắn các di tích, di sản với các lễ hội và hoạt động du lịch.

Công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ tại các di tích cũng được quan tâm thông qua kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác PCCC, khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã tại các di tích. Yêu cầu các địa phương, các ban quản lý di tích sắp xếp đồ cúng, tế gọn gàng, ngăn nắp.

Cổng cổ di tích Quốc gia chùa Mía

Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại các di tích luôn được Sơn Tây quan tâm. Hầu hết các di tích đều có khu vệ sinh riêng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đáng lưu ý, nhiều năm qua ở Sơn Tây không xuất hiện hành vi người dân lấn chiếm khuôn viên di tích, phá hoại cảnh quan môi trường. Đặc biệt, không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan, không tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm trái phép tại các di tích, lễ hội.

Làng cổ Đường Lâm

 Một điểm nổi bật nữa của Sơn Tây trong công tác quản lý, giữ gìn và phát huy  giá trị các di tích, di sản là việc đầu tư tôn tạo, tu sửa các di tích, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở  Đường Lâm. Xã Đường Lâm là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa như: cổng làng, đình, đền, chùa, lăng, nhà thờ họ, tiêu biểu là đình Mông Phụ, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, chùa Mía, chùa Ón… Đường Lâm còn có  350 ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm đang được bảo tồn nguyên vẹn và hàng ngàn ngôi nhà truyền thống với vật liệu xây dựng chủ yếu là đá ong. Những năm qua, thị xã đã thực hiện việc tu bổ, tôn tạo  các di tích đình, miếu, điếm, giếng và nhà cổ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu cấp đất giãn dân với tổng số tiền  trên 117,976 tỷ đồng và các dự án  dân sinh khác trong khu vực Làng cổ ở Đường Lâm với tổng số tiền trên 82,439 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, thị xã đã lập hồ sơ xếp hạng, nâng cấp xếp hạng được 06 di tích, đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tu bổ, tôn tạo di tích đình Nhân Lý. Ngoài ra, còn phối hợp với Ban quản lý dự án và các cơ quan hữu quan đầu tư tôn tạo, tu bổ di tích đình – đền Phú Nhi, Đồi Vua, đình Thiều Xuân…; Kiểm tra hiện trạng chùa Đổ, đình Vị Thủy v.v.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các lễ hội dừng tổ chức hoặc tổ chức với quy mô nhỏ, số lượng người tham gia giảm. Tại các di tích, thị xã đã tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID -19, thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Từ ngày 16/2 đến ngày 8/3 và từ mùng 3/5/2021 đến nay, thị xã Sơn Tây đã tạm dừng đón khách tham quan các điểm di tích, cơ sở tôn giáo để phòng, chống dịch COVID -19.

Quỳnh Anh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *