Di sản

Thông qua danh mục Phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống

​Sáng 4/12, tiếp tục ngày họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận để thông qua Nghị quyết về việc ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.

Góc phố Hàng Bạc (nằm trong danh mục Phố cổ Hà Nội). Ảnh Quang Hiếu

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động cho biết, di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội đa dạng về loại hình, phong phú về chủng loại, trong đó phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể là những sản phẩm không thể tách rời trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo ông Tô Văn Động, các sản phẩm này chưa được khảo sát, thống kê, nghiên cứu, phân loại, đánh giá giá trị, lập danh sách một cách tổng hợp, đầy đủ, khoa học, do vậy chưa được xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lâu dài.

Sau khi thảo luận 77,9% đại biểu đã đồng ý thông qua Nghị quyết về việc ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể tập trung nguồn lực phát triển trên địa bàn Thủ đô.

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, danh mục phố cổ có 79 tuyến phố. Tiêu chí là phổ cổ phải được hình thành từ 100 năm trở lên, trên tuyến phố có nhiều công trình nhà cổ, di tích có giá trị, là các phố được xếp hạng hoặc nằm trong khu vực được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.

Về làng cổ chỉ có Đường Lâm được đưa vào danh mục (gồm các thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng, Đoài Giáp và khu vực phụ cận là các thôn Phụ Khang, Hưng Thịnh, Văn Miếu, Hà Tân). Tiêu chí về làng cổ là được hình thành từ 300 năm trở lên, có tên thường gọi và tên Nôm và giữ được kiến trúc cơ bản như: Cảnh quan môi trường, cây cổ thụ, cổng làng, giếng làng, đường làng, ngõ xóm, các di tích lịch sử văn hóa, nhà cổ có giá trị…

Biệt thự cổ trên đường Điện Biên Phủ: Ảnh Quang Hiếu

Làng nghề truyền thống được đưa vào danh mục gồm 7 làng đã được hình thành trên 50 năm tính đến ngày làng được đề nghị xét tặng làng nghề truyền thống: Sơn khảm thôn Ngọ (Phú Xuyên), Sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), Mây tre đan thôn Phú Vinh (Chương Mỹ), Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức), Dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Gỗ mỹ nghệ Thiết Ứng (Đông Anh).

Danh mục biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 gồm 255 biệt thự. Đây là những biệt thự thuộc Nhóm 1, được chấm theo thang điểm về lịch sử, văn hóa, chính trị; giá trị về nghệ thuật kiến trúc; giá trị về quy hoạch, cảnh quan đô thị; có tính nguyên bản; công năng sở hữu. Nếu tính tổng hợp, Hà Nội có 1.253 biệt thự (gồm cả Nhóm 1, 2, 3).

Về công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 có 41 công trình. Đây là những công trình thuộc Nhóm 1 được tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư bảo tồn, tôn tạo.

Danh mục di sản văn hóa phi vật thể gồm 2 di sản là Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng và Hát Ca trù. Hội Gióng ở đền Phù Đổng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Hát ca trù đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

 

Gia Huy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *