Di sản – Bảo tồn

Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Bám sát nội dung chương trình

Thực hiện Chương trình 04- CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”, vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 165/KH-UBND nhằm quán triệt và […]

Thực hiện Chương trình 04- CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”, vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 165/KH-UBND nhằm quán triệt và triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 04. Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan cần bám sát nội dung chương trình, xác định các nhiệm vụ, đề án, dự án cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện chương trình, đồng thời phân công rõ trách nhiệm các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên qua để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”.

Trong lĩnh vực phát triển văn hóa thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án nâng cao chất lượng xây dựng mô hình văn hóa cơ sở; hằng năm xây dựng kế hoạch trình thành phố giao kế hoạch, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện phấn đấu hoàn thành, đồng thời, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 88%; tỷ lệ làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa đạt 62%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa đạt 72%.

1

Hà Nội tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa

Ngoài ra, xây dựng đề án hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố tới cơ sở. Đảm bảo 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng. Cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc nhà văn hóa ở các tổ dân phố. Rà soát đánh giá, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa… Rà soát, xác định danh mục và đề xuất nguồn vốn thực hiện các công trình cần tu bổ tôn tạo giai đoạn 2016-2020. Ưu tiên đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến…

Triển khai các giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật trên nền tảng kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, Anh hùng của Thủ đô. Tổ chức một số cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật theo chủ đề truyền thống Thăng Long – Hà Nội văn hiến, đổi mới và hội nhập. Rà soát nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn nghệ thuật, nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động biểu diễn của các nhà hát, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là nghệ thuật truyền thống, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố…Rà soát đánh giá cơ sở vật chất, đề xuất sửa chữa cải tạo các công trình thể thao, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đăng cai Đại hội Thể thao quốc gia 2018, SEAGames 31 năm 2021 theo đề án được Chính phủ phê duyệt. Xây dựng đề án đào tạo lực lượng huấn luyện viên, vận động viên. Tăng cường kêu gọi xã hội hóa các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao quần chúng. Phấn đấu 100% xã có điểm luyện tập thể dục thể thao theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Sở Văn hóa và Thể thao cần đề xuất các giải pháp khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn trong gia đình truyền thống của Thăng Long – Hà Nội phù hợp với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; phê phán, khắc phục những mặt còn hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, thái độ vô trách nhiệm đối với cộng đồng của một bộ phận cư dân Hà Nội. Ban hành và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội; quy tắc ứng xử trong bệnh viện, trường học của Thành phố, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Trong sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo là đơn vị chủ trì xây dựng, đề xuất các giải pháp thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 có 70% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng và công nhận thêm 20 trường chất lượng cao.

Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và khai thác hiệu quả Trung tâm chuyển giao công nghệ Hòa Lạc, hoàn thành Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên; khởi công xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm…

Sở Y tế phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 26,5 giường bệnh và 13,5 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân gưới 8,5%. Trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án xây dựng bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm kỹ thuật cao tại Bệnh viện đa khoa Xanh – Pôn. Tăng cường xã hội hóa đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách Thành phố. Sở Lao động, Thương binh và xã hội hoàn thành các chỉ tiêu: giải quyết việc làm mới đạt 148 nghìn người/năm. Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn dưới 1,2%…

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bên cạnh việc tăng cường quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; cần tăng cường giải pháp để đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70- 75% vào năm 2020. Xây dựng đề án nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố. Triển khai các cơ chế, chính sách về đào tạo, đãi ngộ, tuyển dụng và sử dụng đội ngũ trí thức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

2

Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong việc huy động nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ của chương trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, phân loại để thực hiện các thủ tục giao vốn đầu tư cho 24 dự án thuộc Chương trình số 04 của Thành ủy; ưu tiên cân đối, bố trí vốn cho 11 dự án được chuyển tiếp từ các giai đoạn trước nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra; hoàn thành trong tháng 10/2016.

UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ nội dung chương trình, kế hoạch của UBND Thành phố cần xây dựng Kế hoạch của đơn vị mình để quán triệt và triển khai trước ngày 30/9/2016, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình 04, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng hiện đại, thanh lịch và văn minh.

Phương Uyên

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *