Tin tức - Sự kiện

Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân – Quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong thực hiện

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015” là một trong 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XV. Hơn 4 năm thực […]

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015” là một trong 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XV. Hơn 4 năm thực hiện, kết quả nổi bật là đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.

Với mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, vì dân, Chương trình số 08/CTr-TU của Thành ủy đã đề ra chỉ tiêu cụ thể cùng các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị đã triển khai một cách bài bản, sáng tạo…

Pho bi thuPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU.

Công tác CCHC thời gian trước đây chưa mang lại nhiều kết quả là do công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chưa đồng bộ và người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự vào cuộc. Đến nay, vấn đề này đã cơ bản được khắc phục. Ngay sau khi Thành ủy ban hành Chương trình số 08-CTr/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình (BCĐ). Hằng năm, BCĐ rà soát, đánh giá, ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ, đề án cụ thể cho các cơ quan chuyên môn của thành phố; đồng thời đề ra các giải pháp để tổ chức thực hiện. BCĐ đã chỉ đạo cấp ủy các cơ quan, đơn vị thành lập, kiện toàn tổ chức và hoạt động BCĐ CCHC theo mô hình thống nhất. Cùng với việc nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung CCHC được thực hiện qua các cuộc giao ban định kỳ, hội nghị chuyên đề của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng… đã mang lại hiệu quả cao hơn. Nhiều đơn vị, địa phương đã có những cách làm sáng tạo như quận Cầu Giấy chỉ đạo phường Nghĩa Tân và phường Dịch Vọng làm điểm trong việc tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCC. Từ chỗ chỉ có 2 phường làm điểm được ứng dụng CNTT vào bộ phận “một cửa” (năm 2012), đến nay 8/8 phường của Cầu Giấy đã được lắp đặt camera giám sát quy trình làm việc của cán bộ. Nhờ đó, chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính theo đó cũng tăng dần (năm 2012, 2013 tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn đạt trên 90%, năm 2014 cơ bản đạt 100%).

can bo 1 cuaHướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Bắc từ Liêm.

Trong khi đó, để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho phép Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và làm thủ tục trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội. Vì vậy, đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 52 ngày xuống còn không quá 20 ngày, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN) trên địa bàn thành phố. Tương tự, nhằm tránh việc trùng lắp, chồng chéo trong công việc, quận Hà Đông đã phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, bộ phận, từng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Mỗi công việc có một bộ phận hoặc một cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ và kết quả thực hiện nên công tác CCHC đã đi vào nền nếp.

Sau 4 năm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, công tác CCHC đã đạt được kết quả khá toàn diện ở cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trước hết, có thể thấy chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền thành phố và cấp huyện đã được nâng cao. TTHC được kiểm soát chặt chẽ hơn và nhiều TTHC được đơn giản hóa. UBND thành phố đã công bố ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ 757 TTHC. Các TTHC và quy trình giải quyết được niêm yết công khai. Khác biệt rõ nét so với trước đây là cơ bản các TTHC đều được đưa ra thực hiện tại bộ phận “một cửa” đã khang trang hơn, được lắp đặt camera, lấy phiếu xếp hàng tự động, có máy tính màn hình cảm ứng để công dân tra cứu thông tin… Các cán bộ đều được trang bị máy tính để làm việc nên giảm thiểu được các thao tác thủ công trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính.

Cùng với việc cải cách TTHC, đầu tư ứng dụng CNTT, thì điều quan trọng nhất là chất lượng phục vụ và hiệu quả giải quyết TTHC đã được nâng lên. Nhiều đơn vị đã chủ động nghiên cứu, tìm ra cách làm mới tạo sự thuận tiện cho công dân. Tiêu biểu như CATP Hà Nội đã thực hiện “3 giảm” (giảm số lần đi lại của nhân dân, giảm hồ sơ giấy tờ và giảm thời gian giải quyết) thông qua nhiều hình thức như: Thực hiện cấp hộ chiếu qua mạng; cán bộ, chiến sĩ xuống tận địa bàn làm thủ tục cấp CMND, cấp đăng ký xe, đổi hộ khẩu… Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ của tất cả cá nhân, đơn vị nên đã giảm đáng kể tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm, muộn (năm 2012 có gần 20% hồ sơ chậm, muộn, nay đã giảm xuống dưới 5%). Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết từ 5 ngày xuống còn 3 ngày với ba thủ tục thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp. Cùng đó, việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức luôn được thành phố chú trọng. Cụ thể là thành phố đã triển khai Đề án “Thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015” và thực hiện đổi mới nội dung, hình thức tuyển dụng công chức nhằm phòng ngừa tiêu cực. Những kết quả đạt được từ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành đã tạo nền tảng để đẩy mạnh hơn nữa công tác CCHC.

Hiền Thu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *