Theo số liệu thống kê 10 năm qua (2012-2022), trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 481.920 đám cưới được tổ chức, trong đó số đám cưới thực hiện theo quy định là 437.153, đạt 90,71%; số đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm là 64.435 đám cưới (13,37%).
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cấp lãnh đạo quản lý của Thành phố nhiều trường hợp đã chủ động đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Các đám cưới đã dần bỏ việc mời thuốc lá, thuê trang phục cưới đắt tiền. Việc chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới đã giảm bớt các thủ tục rườm rà; tổ chức cỗ bàn, ăn uống linh đình nhiều ngày cũng đã được hạn chế.
Nhiều đám ăn hỏi và lễ cưới được tổ chức trong một ngày để tiết kiệm thời gian và chi phí, không mở nhạc quá 22h… Tư duy tổ chức đám cưới gọn nhẹ, trang trọng, lấy hạnh phúc đôi lứa làm trung tâm, không có biểu hiện trực lợi được nhiều gia đình, dòng tộc, giới trẻ quan tâm, từng bước hình thành nhận thức mới về việc cưới theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm truyền thống văn hóa quê hương, góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng.
Việc khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân trong thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời, biểu dương và khen thưởng những điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 11-CT/TU, các cấp, các ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền đối với việc quán triệt, tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với thực hành tiết kiệm chống lãng phí… Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới dần trở thành sự tự giác không chỉ trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố và cả cộng đồng, xã hội.
Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý phải thực sự gương mẫu đi đầu, là tấm gương sáng trong thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội từ Thành phố tới cơ sở chú trọng tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với các phong trào thi đua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đa dạng các hình thức tuyên truyền, khai thác có hiệu quả các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, cổng thông tin…
Tiếp tục đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào công tác thi đua khen thưởng gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ dân vận tại các thôn, tổ dân phố trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TU.
Tiếp tục kế thừa và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương trong tổ chức đám cưới văn minh. Đồng thời, chỉnh sửa, bổ sung nội dung quy ước, hương ước, nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay có tính khả thi cao để triển khai rộng rãi trong nhân dân.