Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Chỉ thị 11), đã từng bước hình thành tư duy mới về việc cưới theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời loại bỏ các thủ tục rườm rà, tốn kém.
Những năm trước, khi chưa có Chỉ thị 11 của Thành ủy, việc cưới xin ở Tổ dân phố số 6, phường Tôn Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm diễn ra tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, địa vị gia đình và phong tục của địa phương, quê quán ở xa. Việc cưới xin có đám tổ chức 3 ngày ăn uống linh đình; có đám hát hò quá giờ sinh hoạt, tổ chức đánh bạc, gây bức xúc trong nhân dân; có những gia đình kinh tế bình thường cũng muốn cho sang trọng, đã đi vay mượn để tổ chức hàng trăm mâm cỗ, đám cưới rình rang. Hậu quả là sau đám cưới gia đình và đôi vợ chồng trẻ phải lo giải quyết những món nợ lớn.
Huyện uỷ Quốc Oai khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành uỷ Hà Nội. |
Ông Lê Như Ngọc, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 6 cho biết: “Thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy, Chi bộ khu dân cư số 11 (Đông Ngạc trước đây), nay là Chi bộ Tổ dân phố số 6, phường Tôn Đức Thắng đã kịp thời phổ biến, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện đến cán bộ, đảng viên trong Chi bộ; Tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện. Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào Hội nghị đại biểu nhân dân, hội nghị các chi hội đoàn thể để thảo luận, bàn bạc, quyết định; đưa vào Quy ước của Tổ dân phố để nhân dân thực hiện; thành một tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa và các thi đua khác. Quá trình thực hiện, Tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận, các đoàn thể, tổ chức thành đoàn đến trực tiếp gia đình có con, em chuẩn bị lập gia đình, kịp thời tuyên truyền mọi người trong gia đình nắm được để thực hiện”.
Qua tuyên truyền, vận động, gần 10 năm qua, trên địa bàn Tổ dân phố số 6, có 23 đám cưới diễn ra đúng thủ tục của pháp luật, tiến hành các nghi thức hôn lễ “Vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm”; không tổ chức mời khách trong giờ làm việc, tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không tổ chức cưới ở nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, mức thu nhập chung của cộng đồng dân cư.Tất cả các tiệc cưới cả hai gia đình (trai, gái), đều tổ chức chung không quá 50 mâm (300 người). Đặc biệt, năm 2021, có gia đình tổ chức cưới cho con chỉ ăn tiệc ngọt.
“Việc cưới xin, dựng vợ gả chồng xây dựng gia đình cho con, cháu trong xã hội ta từ trước tới nay là một việc hệ trọng. Song nhận thức sâu sắc Chỉ thị 11 của Thành ủy về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới”, giảm bớt một số phong tục, tập quán không còn phù hợp với Thủ đô văn minh, hiện đại, để xây dựng gia đình ấm no, hành phúc, xã hội phát triển; đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân Tổ dân phố số 6 thực hiện, tuy là bước đầu nhưng cũng được khẳng định để tiếp tục duy trì trở thành nền nếp”, ông Lê Như Ngọc cho biết.
Hạn chế nghi lễ rườm rà
Tương tự, là một huyện ngoại thành nhưng trong những năm qua, nhân dân xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới xin. Bằng chứng là hầu hết các lễ cưới ở địa phương đã giảm được các tập tục nghi lễ rườm rà, nặng tính phô trương lãng phí; tục lệ thách cưới về tiền mặt cũng như các vật chất khác đã giảm dần. “Tình trạng ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày giảm hẳn, việc tổ chức ăn uống có nhiều đổi mới theo hướng tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.Thủ tục đăng ký kết hôn và trao giấy kết hôn cho các đôi nam nữ tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã được tổ chức theo đúng luật định, đảm bảo trang trọng, vui tươi, lịch sự”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ phòng Văn hoá xã Phượng Cách cho biết.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, thực hiện theo chỉ đạo phòng chống dịch của Trung ương, thành phố Hà Nội và huyện Quốc Oai, Ủy ban nhân dân xã Phượng Cách đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là trong các đám cưới. Lãnh đạo địa phương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, các ban ngành đoàn thể đã tới tuyên truyền, vận động các gia đình không tổ chức ăn uống với số lượng đông người, chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình; hoặc tạm thời hoãn tổ chức tiệc cưới. Do đó, người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch; tùy từng giai đoạn diễn ra dịch bệnh, các đám cưới tiến hành với hình thức gọn nhẹ, báo hỷ trong phạm vi người thân gia đình, có thời điểm có nhiều cặp đôi chỉ đăng ký kết hôn.Trong 10 năm (từ 2012 đến 2021) trên toàn xã đã có 473 đám cưới, không có cưới tảo hôn, số đám cưới thực hiện theo nếp sống mới đạt 97,5%.
Lãnh đạo huyện Quốc Oai cho biết, huyện đã đạt được nhiều kết quả ghi nhận, toàn huyện có 15.212 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh (chiếm 95,9%). Số đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm chỉ tổ chức báo hỷ là 2.918 (chiếm 18,4%). Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã tổ chức điểm 38 đám cưới văn minh, chỉ liên hoan tiệc trà, bánh kẹo và được Ban chỉ đạo huyện và chính quyền cơ sở đến dự, tặng quà và trao giấy đăng ký kết hôn…
Qua thực tế có thể khẳng định, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo Chỉ thị 11 của Thành uỷ đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, để duy trì lễ cưới theo nếp sống mới, hiện đại, đòi hỏi phải có sự tham gia của cả cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp để mỗi người dân thấy được lợi ích đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng từ đó phát huy vai trò trách nhiệm, tự giác hưởng ứng thực hiện việc cưới theo nếp sống văn hoá./.