Từ xa xưa, hương ước đã là một công cụ và phương thức quản lý hữu hiệu trong làng, xã truyền thống của người Việt. Cho đến ngày nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại; hương ước, quy ước làng xã không vì thế mà mất đi vị thế của mình mà ngược lại, vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa ở mỗi làng quê.
Tại thôn Yến Vỹ, nơi có lễ hội chùa Hương kéo dài trong 3 tháng mùa xuân, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước về thăm quan trẩy hội, việc xây dựng và thực hiện quy ước làng văn hóa trong việc đón tiếp, phục vụ du khách là một nội dung công tác rất được chú trọng. Ngay từ khi hương ước cổ của làng được soạn thảo, tại điều 30, các bậc tiền bối trong làng đã quy định rõ: “Làng ta là làng sở tại, nơi diễn ra lễ hội chùa Hương nên nhân dân ta có nhiệm vụ phục vụ khách đi lễ Phật và tham quan du lịch. Những người làm dịch vụ phải có thái độ vui vẻ, hòa nhã, giá cả dịch vụ công khai rõ ràng, không tăng giá tùy tiện…”.
Có thể thấy, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Chính vì thế, để phát huy hơn nữa vai trò của hương ước, quy ước, việc xây dựng hương ước, quy ước phải chú trọng tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, huy động được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư và tôn trọng đúng mức ý kiến của những người có uy tín ở địa phương trong quá trình soạn thảo. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện hương ước, quy ước cần không ngừng đổi mới phương thức, tránh xu hướng “hành chính hóa” trong quá trình soạn thảo và thực hiện quy ước. Bởi đây là văn bản phát huy tính tự chủ của người dân, vì thế cần có được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, quan trọng hơn là những nội dung trong hương ước, quy ước không thể vượt quá khuôn khổ quy định của pháp luật. Có như thế thì “lệ làng” mới có thể hỗ trợ “phép nước” phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng như hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Trong những năm qua, thôn yến Vỹ luôn đi đầu trong công tác chỉnh sửa, bổ sung quy ước làng văn hóa, sau 3 lần điều chỉnh, dưới sự hướng dẫn của Phòng Văn hóa, sự chỉ đạo sát sao của UBND xã Hương Sơn, thôn Yến Vỹ đang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy ước làng văn hóa lần thứ 4. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn như: các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid 19 và các loại dịch bệnh khác phát sinh; bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội…
Ngay sau khi UBND huyện ban hành Kế hoạch xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Mỹ Đức năm 2021 và các năm tiếp theo, Ban Chi ủy và lãnh đạo thôn đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tại thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn. Việc thực hiện tốt quy ước làng văn hóa không chỉ góp phần rất lớn nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác phục vụ du khách về tham quan trẩy hội mà còn góp phần vào việc xây dựng Nông thôn mới, xây dựng thôn Yến Vỹ ngày càng giàu đẹp, văn minh. Vì vậy, lãnh đạo thôn đã thống nhất cao trong việc đưa bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng vào quy ước của làng. Nhấn mạnh đây là một nội dung quan trọng để toàn dân trong thôn cùng chung tay thực hiện.
Tại các cuộc họp thôn, lãnh đạo, cấp ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, in phát toàn văn nội dung bản quy ước làng văn hóa tới từng hộ gia đình. Bổ sung việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Y tế cũng như của Chính phủ, Thành phố và Huyện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi đây là tiêu chí trong xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Các hội viên Hội người cao tuổi phải gương mẫu để con cháu làm theo, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên là những đội xung kích tiền phong đi đầu trong công tác thực hiện; người người, nhà nhà cùng chung tay thực hiện để tạo sức lan tỏa rộng rãi. Làm tốt theo bản quy ước làng văn hóa sẽ giúp cho xóm làng ngày càng văn minh, dân thôn Yến Vĩ xứng đáng là người dân của khu di tích quốc gia đặc biệt.
Để “lệ làng” đồng hành cùng “phép nước”, để phát huy giá trị của quy ước làng văn hóa trong việc phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn (chùa Hương), trong thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện. Vận dụng linh hoạt việc thực hiện quy ước làng văn hóa trong việc phục vụ du khách về tham quan trẩy hội chùa Hương. Đồng thời, góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, để Yến Vỹ, Hương Sơn nói riêng và Mỹ Đức nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng danh là quê hương đất Phật.
Đào Văn Hùng (Trưởng thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức)