Văn hóa cơ sở

Thường Tín chú trọng công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, 15 năm qua, huyện Thường Tín đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, không ngừng nâng cao nhận thức trong cán bộ và Nhân dân về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, công tác tuyên truyền được huyện chú trọng triển khai với nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị phổ biến và quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và của huyện về chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, đặc biệt là tuyên truyền về Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (BLGĐ);  Luật Bình đẳng giới; các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong chiến lược xây dựng gia đình; lồng ghép trong các sinh hoạt của các đoàn thể, các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các lớp tập huấn về công tác gia đình cho các đối tượng là lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, cán bộ phụ trách công tác gia đình, Chủ nhiệm CLB Phòng, chống bạo lực gia đình,; tuyên truyền cổ động trực quan. Trong 15 năm qua, toàn huyện đã thực hiện trang trí, tuyên truyền hơn 1.800 khẩu hiệu, 2.500 băng rôn, 5.500m2 panô với các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3… 100% đài truyền thanh xã, thị trấn thường xuyên xây dựng và đưa nhiều tin bài với nội dung về gia đình: Gương Người tốt, việc tốt; các gia đình tiêu biểu xuất sắc của địa phương…

Trao mái ấm Công đoàn cho gia đình chị Nghiêm Thị Phước, thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến.

Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa đã có bước phát triển quan trọng, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội của gia đình, làng, tổ dân phố; trở thành những chuẩn mực về nếp sống, lối sống, quan hệ ứng xử trong cộng đồng. Công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa đã thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình, làng, tổ dân phố và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là hoạt động văn hóa – xã hội ở cơ sở có chuyển biến tiến bộ; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đến nay, ở các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đạt danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa không còn hộ đói; số hộ khá và giàu tăng nhanh. Tính đến hết năm 2019, toàn huyện có 87,5% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 89,5% làng đạt làng văn hóa, 100% tổ dân phố đạt tổ dân phố văn hóa. Trong đó có gần 3.000 gia đình nữ công nhân viên chức, lao động đạt gia đình văn hóa tại nơi cư trú, 01 gia đình được biểu dương cấp Thành phố.

Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện tốt chính sách người có công và xã hội hóa việc chăm sóc các đối tượng chính sách. Đến nay, toàn huyện có hơn 6.000 người có công hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với kinh phí chi trả khoảng 80 tỷ đồng/năm. Các chế độ chính sách được thực hiện đảm bảo theo quy định của Nhà nước: Chi trả chế độ kịp thời, đúng đủ; việc xác nhận, công nhận mới theo đúng quy trình, chặt chẽ và công khai dân chủ; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, nhằm đảm bảo cho các gia đình được trợ giúp, nhận hỗ trợ để ổn định cuộc sống góp phần đem lại hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình. Duy trì và tổ chức sinh hoạt CLB “Không sinh con thứ 3”, CLB “Gia đình văn hóa”, CLB “Phòng, chống AIDS”, CLB “Dưỡng sinh”… Xây dựng và duy trì mô hình CLB Phòng, chống bạo lực gia đình điểm tại Thị trấn Thường Tín.

Trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội và mỗi gia đình trong việc thực hiện phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Củng cố, kiện toàn ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, phổ biến đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước; nâng cao các kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới… Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân cùng chung tay phòng, chống BLGĐ. Bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào Hương ước, Quy ước của thôn, làng, tổ dân phố.

Minh Trường

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *