Trong những năm qua, thực hiện Chương trình 04- CT/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, huyện Thường Tín đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát […]
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình 04- CT/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, huyện Thường Tín đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
Đường làng được bê tông hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Theo đó, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin, thể thao có nhiều tiến bộ. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư và hoạt động tích cực, tổng số nhà văn hóa làng trên toàn huyện hoàn thành xây mới và nâng cấp là 129/169 nhà văn hóa làng, đạt tỷ lệ 69,82%. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa được tăng cường đầu tư, hiện, toàn huyện có tổng số di tích được xếp hạng là 108 di tích. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng Người Thường Tín thanh lịch, văn minh” và việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… có nhiều chuyển biến. Toàn huyện có 85% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa;107 làng văn hóa đạt 64,85%;138 Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 69,69%; 03 Tổ dân phố văn hóa đạt 75%. Là huyện đứng trong tốp đầu của thành phố về các bộ môn thể thao thành tích cao; thể thao quần chúng trở thành phong trào rộng lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia toàn huyện có 24/29 xã có điểm luyện tập thể thao đạt 82,7%, số người tập luyện thường xuyên đạt 28,7%, số hộ gia đình thể thao đạt 17,82%.
Công tác giáo dục và Đào tạo tiếp tục được đổi mới và phát triển toàn diện: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ, có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và xây dựng mô hình trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên và có chuyển biến tốt hơn. Đến nay, toàn huyện có 48 trường đạt chuẩn Quốc gia, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các ngành học đều đạt trình độ chuẩn. Hàng năm, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,2%, THPT đạt 98,5%, bổ túc THPT đạt 86,6%.
Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục đổi mới, tăng cường ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chất lượng sống của nhân dân Thủ đô. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; dịch bệnh được kiểm soát; công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, cấp giấy chứng nhận ATTP cho 248 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm đạt 81,25%; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; nhiều bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Đến nay, toàn ngành y tế có 519 cán bộ y tế, trong đó. có 97 bác sỹ có trình độ đại học và sau đại học; có 25/29 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020). Các chỉ tiêu dân số – kế hoạch hóa gia đình được bảo đảm.
Phong trào TDTT trên địa bàn huyện Thường Tín phát triển sôi nôi, rộng khắp
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội và đảm bảo an sinh đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong 05 năm qua đã thực hiện chi trả chế độ ưu đãi cho người có công trên 301,8 tỷ đồng, vận động quỹ “đền ơn đáp nghĩa” trên 2 tỷ đồng; trợ cấp thường xuyên cho 10.169 đối tượng, kinh phí 255,3 tỷ đồng; trợ cấp đột xuất cho 2.085 đối tượng, kinh phí 7,7 tỷ đồng; hỗ trợ hỏa táng cho 1.335 ca, tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Huyện đã tạo điều kiện cho 4.500 hộ nghèo được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình với mức bình quân 15 đến 20 triệu đồng/ hộ; giải quyết việc làm cho 13.252 người lao động. Bên cạnh đó, đã mở 139 lớp đào tạo nghề cho 4.830 lao động, kinh phí 7,7 tỷ đồng.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện và nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng. Công tác bảo tồn, duy trì, khai thác và phát huy giá trị di sản kết quả còn hạn chế. Thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu về số lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” một số nơi còn mang tính hình thức, chất lượng chưa đồng đều. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội còn có tồn tại, bất cập; chưa tạo được nhiều chuyển biến về văn hóa ứng xử của người dân; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn hạn chế.
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, huyện phấn đấu đến hết năm 2020, đạt được các chỉ tiêu chủ yếu như, hằng năm dành từ 8 – 10% ngân sách đầu tư cho phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện, xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh. Hoàn thành cơ bản dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện; 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có điểm luyện tập thể thao theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 88%; Tỷ lệ làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng Văn hóa” đạt 68,5%; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” đạt 100%; 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 01 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 40%; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 20%.
Phấn đấu trên 70% trường học (Mầm non, Tiểu học, THCS), 100% trường học công lập THPT đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, huyện đạt phổ cập bậc trung học. 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hàng năm, tạo việc làm cho 2.500 lao động trở lên; xây dựng, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch: Nhị Khê, Quất Động, Duyên Thái, Thắng Lợi, Vạn Điểm…