Nhằm đánh giá một cách khách quan các tiềm năng, cơ hội, thách thức trong việc việc hình thành các cộng đồng sáng tạo; đề xuất cơ chế quản lý và vận hành nâng cao vị thế cạnh tranh của Hà Nội với các đô thị trong vùng và trong khu vực, ngày 25/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội 2021”.
Tọa đàm là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo năm 2021, để cùng thảo luận và lắng nghe ý kiến của chuyên gia về câu chuyện sáng tạo mới ở Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Hà Nội được biết đến là thành phố với nhiều di sản văn hoá tiêu biểu: 20 tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích quốc gia, 1.441 di tích xếp hạng cấp thành phố. Ngoài di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử, Hà Nội còn có di sản về thiên nhiên, gồm các dòng sông cổ, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm cùng 1.793 di sản văn hoá phi vật thể. Ngoài ra, Hà Nội có ẩm thực phong phú với các món ngon nổi tiếng trong nước và được nhiều bạn bè quốc tế biết tới. Hà Nội còn có 1350 làng nghề và làng có nghề, tiêu biểu như làng nghề là gốm Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc. Người Hà Nội từ lâu nổi tiếng với sự khéo léo, tài hoa, luôn tìm tòi sáng tạo tạo ra các sản phẩm tinh hoa. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang có cơ cấu dân số vàng, cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo gồm các nhà thiết kế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo… Các nguồn lực văn hóa và sự năng động của các ngành công nghiệp văn hóa tạo động lực để Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo đầu tiên của Việt Nam tham gia UCNN ở lĩnh vực Thiết kế.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, nguồn lực di sản, con người là tiềm lực to lớn để Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á. Là thủ đô duy nhất có bề dày lịch sử trên 1000 năm với tài sản lớn văn hóa, Hà Nội cần chuyển mình, đi đầu trong công cuộc tạo dựng hình ảnh quốc gia, với đòn bẩy là sự sáng tạo nhằm tạo ra giá trị gia tang từ các nguồn lực sẵn có. “Hà Nội đi đầu trong xây dựng Thành phố sáng tạo sẽ truyền cảm hứng cho các thành phố khác của Việt Nam trong việc lấy nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững” – bà Hường khẳng định thêm.
Thời gian gần đây, Hà Nội cũng đã có những bước đi đáng ghi nhận trong việc khơi nguồn, phát triển sáng tạo. Có thể kể tới như các lễ hội đường phố, lễ hội âm nhạc, thiết kế Km số 0, thiết kế các không gian sáng tạo, sự kiện thời trang… Nhà thiết kế Vũ Thảo, Giám đốc nghệ thuật Kilomet 109 là người rất thành công trong việc lấy văn hóa truyền thống để thiết kế sáng tạo thời trang. Theo NTK Vũ Thảo, văn hóa là nguồn lực hỗ trợ hữu hiệu cho thiết kế thời trang. Thời trang của Kilomet 109 mang dấu ấn bản địa của các cộng đồng dân tộc rất rõ nét với đặc trưng riêng từng vùng miền. Văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam không chỉ giúp NTK Vũ Thảo sáng tạo trong thiết kế mà thông qua đó còn góp phần gìn giữ bản sắc cho các nghề thủ công truyền thống của bà con dân tộc thiểu số.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã bàn luận, gợi mở về tiềm năng xây dựng Thành phố sáng tạo từ nguồn lực văn hoá; trao đổi kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo trên thế giới; nhấn mạnh vai trò của mỗi thành phần trong hệ sinh thái sáng tạo: Công nghệ, giáo dục, kinh doanh, nghệ thuật, chính sách; Vai trò, mô hình vận hành, cách tạo được cộng hưởng nguồn lực trong hệ sinh thái…
Giới sáng tạo Hà Nội cũng nhận định, thực trạng sáng tạo hiện nay thường là điểm sáng đơn lẻ, đang phân bố rải rác. Họ mong muốn mang sáng tạo của mình phục vụ nhiều hơn cho xã hội và không có gì khác ngoài việc thành phố cần tạo ra “dung môi”, có cơ chế chính sách phù hợp, tạo môi trường để hoạt động sáng tạo được phát triển. Bản thân những người sáng tạo, ngoài tình yêu nghề phải có sự kết nối giữa những người làm sáng tạo với nhau, giữa những người làm sáng tạo với xã hội.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết: Định hướng hướng của thành phố Hà Nội trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo, trước hết là triển khai các sáng kiến Hà Nội đề ra khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành phố cũng thúc đẩy các sản phẩm về sáng tạo, phát triển không gian sáng tạo, hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa; phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho hoạt động sáng tạo. Một mặt, Hà Nội cũng huy động giới sáng tạo, các kiến trúc sư, giới trẻ và cả cộng đồng cùng chung tay tham gia các hoạt động sáng tạo.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng trao đổi các vấn đề về hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm ý tưởng khai thác không gian sáng tạo Hà Nội, những cơ hội, thách thức được đặt ra cũng như giải pháp thực hiện.
Thanh Hằng