(HNM) – Với những giá trị có một không hai, năm 2013, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Bởi vậy, mọi sự tác động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của […]
Cầu Thê Húc đang được tu bổ, tôn tạo. Ảnh: Anh Tuấn |
Ngoài giá trị nổi bật về cảnh quan, không gian, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn còn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn với quá trình hình thành, phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Những điểm di tích như cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, đình Nam Hương… cùng nhiều công trình di sản đô thị, hệ thống cây xanh, mặt nước đã đi vào thi ca, nhạc họa, tạo ấn tượng đặc biệt đối với người dân Việt Nam và du khách quốc tế.
Nhằm giữ gìn những giá trị vốn có, TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đã và đang đầu tư hàng chục tỷ đồng tu bổ, tôn tạo một số công trình di tích trọng điểm bị xuống cấp. Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích đền Ngọc Sơn được triển khai từ cuối năm 2014, đến nay đã hoàn thành nhiều hạng mục, mang lại diện mạo kiến trúc, cảnh quan hài hòa cho di tích. Di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ cũng được cải tạo, chỉnh trang.
Sau quá trình hạ giải để xử lý phần tường, nền, mái, các cấu kiện gỗ… bị xuống cấp nghiêm trọng, đền Bà Kiệu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách tham quan. Anh Nguyễn Anh Tuấn, hướng dẫn viên Công ty Du lịch quốc tế Đại Việt (GrandViet Tour) phản ánh, những năm trước, đền Bà Kiệu dù không bán vé vẫn thiếu hấp dẫn, bởi du khách thấy không an toàn nếu vào tham quan. Sau khi được tu bổ, tôn tạo, lượng khách tham quan đền Bà Kiệu tăng đột biến.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các công trình di tích trọng điểm xung quanh hồ Hoàn Kiếm trải qua quá trình tu bổ, tôn tạo không làm sai lệch, mất đi những giá trị vốn có. Ngược lại, các giá trị đó ngày càng được thể hiện rõ nét. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho hay: “Tất cả các dự án đều được Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu cẩn trọng, khoa học, khách quan trước khi đề xuất, xin ý kiến. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo, các đơn vị liên quan luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trùng tu di tích”.
Các dự án trùng tu di tích, dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm cũng được Bộ VH-TT&DL phê duyệt tại Văn bản số 1812/BVHTTDL-DSVH ngày 28-4-2017. Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, quận đã thống nhất quan điểm việc triển khai dự án không được tác động và làm thay đổi đến các công trình di tích hiện hữu. Dự án sẽ tập trung hoàn thiện cả hạ tầng kỹ thuật, cây xanh bóng mát. Theo kế hoạch, hệ thống cây xanh quanh hồ cơ bản vẫn giữ nguyên, chỉ loại bỏ những cây không đúng chủng loại và cành cây khô, cành nghiêng ra mặt đường ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan…
“Dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được quận phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng. Do đó, việc thực thi dự án là giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm – một bộ phận cấu thành của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”, ông Phạm Tuấn Long khẳng định.
“Thổi hồn” vào di tích
Sau khi danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn trở thành di tích quốc gia đặc biệt, bên cạnh việc quan tâm bảo tồn di tích, các cơ quan chức năng còn “bổ sung” cho di tích nhiều giá trị mới. Dễ nhận thấy nhất là từ ngày 1-9-2016, các tuyến đường Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Đinh Lễ, Nguyễn Xí… xung quanh hồ Hoàn Kiếm trở thành không gian đi bộ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng vào những ngày cuối tuần.
Đến đây, người dân và du khách vừa có cơ hội tham quan, tìm hiểu, khám phá các điểm di tích mang dấu ấn Thăng Long – Hà Nội, vừa được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian độc đáo do cộng đồng tổ chức. “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm luôn tấp nập. Ai nấy đều vui vẻ, thích thú”, chị Vũ Thanh Nga, trú tại phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm) nhận xét.
Tại các điểm di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Sở VH-TT Hà Nội đang thí điểm triển khai các quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ngoài hệ thống bảng, biển hướng dẫn du khách thực hiện nghiêm các quy định, Sở VH-TT Hà Nội tạo điều kiện cho du khách mặc trang phục chưa phù hợp đến đền Ngọc Sơn, Bà Kiệu, di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ mượn áo choàng trước khi vào tham quan. Việc làm này được đông đảo du khách và người dân ủng hộ, hưởng ứng. Lượng khách tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 tăng nhiều so với những năm trước đó. Năm 2016, riêng đền Ngọc Sơn đón gần 1 triệu lượt khách, thu về gần 30 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích – Danh thắng (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết, từ hiệu quả của mô hình quản lý, phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, ngành Văn hóa Thủ đô đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình mới này ra một số điểm di tích khác. Qua đó có thể khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn luôn được các cấp, các ngành chức năng và nhân dân Thủ đô quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị đúng hướng.