Căn bệnh thành tích luôn là nỗi lo của các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, bởi số lượng huy chương giành được ở sân chơi này vốn luôn được coi là thước đo cho sự phát triển phong trào thể thao ở các địa phương.
Có thể nói, một trong những nỗi lo lớn nhất của các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc là làm thế nào để giảm thiếu tối đa căn bệnh thành tích, bởi số lượng huy chương giành được ở sân chơi này vốn luôn được coi là thước đo cho sự phát triển phong trào thể thao ở các địa phương. Thế nên, để có được ‘thành tích ảo’, nhiều địa phương đã ‘đi đêm’ trong chuyển nhượng vận động viên.
Ở những kỳ Đại hội trước, khi chưa có điều lệ chặt chẽ trong chuyển nhượng vận động viên, nhiều địa phương không có chương trình đào tạo vận động viên trong 4 năm, nhưng khi Đại hội đến vẫn có ngay vận động viên để thi đấu. Đây là ‘thành tích ảo’ không đánh giá đúng thực lực quá trình đào tạo vận động viên của các địa phương.
Thế nên, “vấn nạn” luôn gây ra nhiều tranh cãi từ Đại hội này qua các kỳ Đại hội khác là chuyện tranh chấp vận động viên và chuyện vận động viên đăng ký có đúng quy định hay không.
Nhằm ‘xóa’ căn bệnh thành tích này, tại kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, BTC đã ban hành điều lệ nhằm hạn chế sự trao đổi, mua bán thành tích bằng các yêu cầu chặt chẽ trong việc ký hợp đồng đối với vận động viên. Nhưng thực tế, tại Đại hội VII, tiêu cực vẫn còn xảy ra.
Điển hình như ở môn bóng bàn, có tới 14 trường hợp vận động viên phải xem xét lại khi đăng ký. Sau khi BTC kiểm tra hồ sơ thì có tới 7 vận động viên có “vấn đề” và chỉ có 7 vận động viên đáp ứng đủ điều kiện. Cuối cùng, 7 vận động viên có “vấn đề” kia đã phải tự xin rút lui do đang tập luyện, thi đấu cho một đội, đến nay lại đăng ký thi đấu cho một đội khác tại Đại hội mà thiếu giấy tờ theo quy định.
Để không còn vấn nạn tiêu cực trên, Điều lệ Đại hội Thể thao toàn quốc lần VIII năm 2018 quy định chặt chẽ thêm: “Vận động viên được quyền đăng ký thi đấu cho đơn vị, địa phương khi phù hợp các yêu cầu: Có hộ khẩu thường trú tại địa phương; Có giấy xác nhận là vận động viên của ngành do Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng hoặc Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Bộ Công an cấp; Có hợp đồng sử dụng vận động viên hoặc hợp đồng chuyển nhượng vận động viên hợp pháp ký kết trước ngày 15/1/2018.
Ngoài ra, Điều lệ cũng đưa ra những quy định cụ thể: “Nếu vận động viên không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không có giấy xác nhận của ngành hoặc khi xảy ra tranh chấp vận động viên giữa các đoàn thì BTC Đại hội sẽ căn cứ vào hợp đồng sử dụng vận động viên hoặc hợp đồng chuyển nhượng vận động viên để làm căn cứ giải quyết”.
Các địa phương, đơn vị có thời gian chuẩn bị lực lượng trong khoảng 10 tháng và danh sách đăng ký sơ bộ trước ngày 1/8, trước khi đăng ký chính thức ngày 1/10.
Đại hội Thể thao 2018 có 36 môn với 743 nội dung, “vấn nạn” luôn gây ra nhiều tranh cãi bao năm qua là chuyện tranh chấp VĐV và chuyện vận động viên đăng ký có đúng quy định hay không luôn làm BTC phải đau đầu.
Hy vọng Đại hội Thể thao toàn quốc lần VIII không còn xảy ra “vấn nạn” tiêu cực trên để tất cả cùng hướng đến một kỳ Đại hội Thể thao “sạch” về mọi mặt.
Minh Tuấn
Theo MaskOnline