Thư viện

“Tiếng lòng” gửi đến những người mẹ, người chị, người phụ nữ Việt Nam

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2021), Thư viện Hà Nội gửi đến bạn đọc Thủ đô những cuốn sách viết về những người mẹ, người chị, người phụ nữ Việt với những phẩm chất cao đẹp.

Cuốn sách “Tặng mẹ thân yêu” được Phạm Hương, Bình Minh và Nguyệt Minh biên soạn, là sự hội tụ của biết bao câu chuyện về tấm lòng nhân hậu, những câu chuyện kỳ diệu ấy được tạo nên bởi những con người rất đỗi giản dị, họ hiện hữu ngay trong cuộc sống của chúng ta. Đó là một chú bé ngây thơ đã khiến cho bà cụ già quên đi cái chết đang đến rất gần. Đó là một món quà vô hình làm đẹp ước mơ thần thoại của tuổi thơ trong đêm ông già Noel giáng thế. Một cái nắm tay thật chặt dịu dàng khi bạn đang ngơ ngác giữa ngã ba đường… Tất cả đưa con người vào thế giới tràn ngập hạnh phúc, tình yêu thương và sự cảm thông.

Cuốn sách “Tiếng lòng con gửi Mẹ” được Thu Hà biên dịch, lại mang đến cho bạn đọc 65 câu chuyện nhỏ nói về nỗi lòng của con với người mẹ như: “Gửi mẹ”, “Thơ bé”, “Viết gửi mẹ”, “Ngày mai con về”, “Mùa thu của mẹ”.

Hay cuốn “Gương sáng phụ nữ giữ gìn văn hoá Việt” là tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả viết về người mẹ. Qua đây, ta thấy được rằng phụ nữ Việt Nam mặc dù có bị ảnh hưởng ít nhiều từ các luồng văn hóa ngoại quốc do trải qua thời gian dài bị đô hộ nhưng vẫn giữ được những nét đẹp rất riêng của phụ nữ Việt, nét đẹp của phụ nữ Á Đông. Mỗi bài viết là một câu chuyện thật, tóm tắt về cuộc đời của người phụ nữ mà họ yêu thương, trân trọng và cũng là mỗi tấm gương đại diện cho người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp, hết lòng vì gia đình, vì đất nước trong những năm tháng khó khăn bom rơi đạn lạc.

“Tự lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta” – một trong những tác phẩm của Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Tủ sách Giới và Phát triển) của nhà xuất bản Phụ nữ. Cùng với tủ sách – cuốn “Tự lực Văn đoàn với vấn đề Phụ nữ ở nước ta” hướng tới các nhận thức, thực hành quyền Phụ nữ cũng như đấu tranh cho nữ quyền vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Góp phần đem đến một cái nhìn toàn diện một cách hệ thống với các vấn đề giới và phát triển, những đóng góp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay góp phần xây dựng xã hội Việt Nam phát triển và bền vững.

Bên cạnh đó, cuốn “Tư duy & chia sẻ” là tập hợp những bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong quá trình hoạt động ngoại giao trước đây và ở cương vị một nhà hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục hiện tại. Đó là những suy nghĩ sắc sảo về những vấn đề thời cuộc. Qua đó, bà mong muốn đối thoại, chia sẻ với thế hệ trẻ, những người mang trọng trách sẽ làm chủ vận mệnh đất nước, mà trước tiên cần làm chủ đời mình. Đây không phải là cuốn tự truyện của bà, nhưng nó là “một dòng chảy xuất hiện từ những ngày còn ngồi ở ghế nhà trường và lớn dần qua các giai đoạn của cuộc hành trình, là động lực thôi thúc tôi luôn tư duy và chia sẻ” như cách nói của tác giả. Nói cách khác, tư duy và chia sẻ chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Các cuốn sách hiện đang phục vụ tại Phòng Thiếu nhi, phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.

Hà Trần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *