UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố tại cuộc họp về việc tổng kết thực hiện tổ chức triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo đó, việc triển khai trong thời gian qua được […]
UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố tại cuộc họp về việc tổng kết thực hiện tổ chức triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Theo đó, việc triển khai trong thời gian qua được thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố; được nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và du khách quốc tế ủng hộ, đồng thuận, đánh giá cao. Hoạt động này đạt được các mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thu hút khách du lịch, quảng bá văn hóa, tạo môi trường giao lưu văn hóa các vùng miền trong và ngoài nước; góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế dần phương tiện giao thông cơ giới vào khu vực nội đô; tạo động lực để các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình phù hợp thị trường, phục vụ tốt hơn và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, việc tổ chức không gian đi bộ thời gian qua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là hiện tượng ép khách du lịch; cần kiểm soát giá dịch vụ và trông giữ xe, công tác dọn dẹp vệ sinh, tổ chức trò chơi…
Trên cơ sở kết quả 10 tháng thực hiện thí điểm, UBND TP Hà Nội thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy chấp thuận duy trì triển khai tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. UBND thành phố đề xuất phương án giao cho UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị chủ trì, đầu mối tổ chức toàn bộ các hoạt động tại đây. Thời gian tổ chức không gian đi bộ được giữ nguyên (không thay đổi giữa các mùa), bảo đảm ổn định sản phẩm văn hóa du lịch.
Xác định không gian đi bộ có ý nghĩa chính là không gian văn hóa, chủ yếu giới thiệu các sản phẩm văn hóa, nên việc tổ chức các hoạt động dịch vụ thương mại là thứ yếu, chỉ bảo đảm nhu cầu thiết yếu phục vụ người dân tham gia không gian đi bộ. UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức thiết kế, triển khai các quầy hàng (toa xe) phục vụ các dịch vụ thiết yếu, bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, nước uống… Cơ quan chủ trì cần ngăn chặn tình trạng bán hàng rong, các trò chơi nguy hiểm. Các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi nên được bố trí vào khu vực riêng.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa tại đây đến hết năm 2018, tập trung vào các loại hình như âm nhạc, lễ hội hoa, giao lưu văn hóa các vùng miền, festival đường phố, giải thể dục thể thao… Các quầy sách, báo tại khu vực này vẫn được duy trì. Chủ trương của thành phố là kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để đưa nhiều hoạt động văn hóa về tổ chức tại đây, biến không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành trung tâm quảng bá phát triển văn hóa của Thủ đô và cả nước.
Các điểm trông giữ phương tiện sẽ được rà soát lại, có thể ứng dụng công nghệ tự động. Việc trang trí hoa, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ, hệ thống chiếu sáng, cải tạo nước hồ sẽ được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết.
An Nhi