Lễ hội

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 an toàn, văn minh 

Sáng 1/3, Sở Văn hòa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã để đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội từ đầu năm đến hết tháng 2/2024, đặc biệt là từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho đến nay. Đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Chương trình bán thực cảnh “Âm vang Mê Linh” tại Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024

Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng cho biết theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.661, trong đó có 1.051 lễ hội được thông báo tổ chức trong năm 2024. Tính đến ngày 29/2, trên toàn Hà Nội đã diễn ra 405 lễ hội. Ngay từ cuối năm 2023, Sở đã tham mưu cho Thành phố ban hành các kế hoạch, văn bản nhằm triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội; cũng như ban hành nhiều văn bản triển khai; tổ chức các hội nghị triển khai, ký cam kết thi đua thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”. Mở đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về công tác lễ hội trên địa bàn Thành phố qua số điện thoại 0965404557…

Theo đánh giá ban đầu cho đến nay, các lễ hội diễn ra đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co, hội thi bày mâm lễ vật…; tổ chức các giải thi đấu thể thao trong khuôn khổ lễ hội như bóng chuyền hơi, cờ tướng, cầu lông… Việc tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu, Bằng di tích lịch sử văn hoá… làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, động viên, khuyến khích Nhân dân giữ gìn, phát huy tốt các giá trị danh hiệu văn hoá, danh hiệu làng nghề truyền thống, các giá trị di sản văn hoá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố công nhận xếp hạng, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần trong cộng đồng dân cư.

Năm 2024, nhiều địa phương triển khai việc quản lý và tổ chức các lễ hội trên địa bàn với nhiều nét mới. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, ngay từ đầu năm, quận đã xây dựng và ban hành các kế hoạch tổng thể về việc tổ chức các lễ hội cấp quận cũng như công tác chỉ đạo việc phát huy giá trị các di tích, các lễ hội trên địa bàn 14 phường. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể, với từng lễ hội cũng đã ban hành các kế hoạch riêng, có sự phân công cụ thể trong việc tổ chức triển khai. Các lễ hội đều được tiết kiệm, đảm bảo các nghi lễ truyền thống, tạo sự hồ hởi phấn khởi cho người dân. Cho đến thời điểm nay, trên địa bàn quận đã tổ chức 16 lễ hội với 4 lễ hội quy mô cấp quận, 12 lễ hội cấp phường… Qua việc tổ chức lễ hội là dịp sinh hoạt cộng đồng gắn kết người dân trên địa bàn, nhằm tuyên truyền với người dân về truyền thống lịch sử của quận Ba Đình, tôn vinh các danh nhân, những người có công… Năm 2024, quận Ba Đình đã triển khai sử dụng mã quét QR code quản lý tiền công đức tại một số di tích lớn trên địa bàn quận như đền Quán Thánh, đền Voi Phục…

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm phát biểu tại Hội nghị.

Tại huyện Mê Linh, Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 đã được tổ chức theo hình thức mới, điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh “Âm vang Mê Linh” sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cũng cho biết, thị xã có 65 lễ hội và tính đến nay đã co 30 lễ hội được tổ chức với phần lễ bám sát các quy định, giữ được nét truyền thống, tránh việc lai tạp. Các nội dung này đã được UBND thị xã quán triệt, chỉ đạo sát sao xuống UBND các xã, phường, các tiểu ban quản lý di tích nhằm giữ gìn những giá trị được trao truyền qua bao đời nay. Phần hội với các hoạt động tạo sự lành mạnh, không để các tệ nạn, các hiện tượng tiêu cực diễn ra. Để đạt được điều đó, UBND thị xã Sơn Tây đã chủ động kiểm tra, chỉ đạo xã, phường thực hiện nghiêm các quy định… Công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và việc đẩy lùi các tệ nạn đã được UBND thị xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tuy vậy, tại đền Và, Thành cổ Sơn Tây là những điểm thu hút lượng lớn du khách về tham quan, chiêm bái, do đó, không tránh khỏi vì quá tải mà xảy ra các hiện tượng ùn ứ về giao thông. Bên cạnh đó cũng vẫn còn tình trạng người bán hàng trong khu vực lễ hội; thiếu thông tin, chỉ dẫn về điểm di tích. Ông Lê Đại Thăng đề xuất, thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện rà soát, thống kê để bổ sung thông tin, chỉ dẫn, chậm nhất đến quý II, 100% di tích có nơi thờ tự, hành lễ sẽ được bổ sung các biển thông tin.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, vẫn còn tình trạng người dân chen lấn khi nhận lộc, mặc trang phục chưa phù hợp. “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền để người thực hiện văn minh lễ hội, đồng thời nhanh chóng dẹp bỏ những hoạt động cờ bạc trá hình tại lễ hội”, ông Tống Giang Phúc chia sẻ.

Cũng theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, tại các lễ hội, việc tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa được Ban tổ chức chú trọng, một số lễ hội các bảng, biển quảng cáo, loa đài mở công xuất lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và sự tôn nghiêm của di tích; Vẫn còn hiện tượng tổ chức các trò chơi ăn tiền, xem bói, giải quẻ ở một số lễ hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh kết luận tại Hội nghị.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương; đặc biệt, với những phản ánh của báo chí, các địa phương đã chấn chỉnh rất kịp thời. Bà Trần Thị Vân Anh cũng lưu ý, các địa phương cần tiếp tục phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội đến cán bộ và Nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về giá trị của các di tích, lễ hội; Kiểm soát các cửa hàng bật loa mời chào khách hàng với công suất lớn…
Với nhiều thay đổi tích cực, việc tổ chức lễ hội đã tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của Nhân dân, đáp ứng nhu cầu trẩy hội, phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hoá theo định hướng chung.

Tô Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *