Không chỉ còn là công việc trong phạm vi gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là một trong những mối quan tâm của các cấp
Không chỉ còn là công việc trong phạm vi gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là một trong những mối quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở Thủ đô, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời đại mới.
Sau một thời gian vào cuộc tích cực, quyết tâm, bền bỉ của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị từ thành phố tới xã, phường, khu dân cư, tại Hà Nội, việc cưới được tổ chức theo chiều hướng tiết kiệm ngày càng tăng.
Do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu còn nặng nề, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường với lối suy nghĩ “đời người chỉ cưới có 1 lần”, do vậy đám cưới thường được tổ chức linh đình, mâm cao cỗ đầy và kéo dài nhiều ngày… không những gây lãng phí mà nhiều gia đình, cặp vợ chồng trẻ rơi vào tình trạng nợ nần.
Chỉ thị 11/CT-Th.U của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, đã từng bước tạo chuyển biến tích cực trong tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố. Các địa phương đã tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân Thủ đô tổ chức đám cưới theo tinh thần “vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”. Nhiều mô hình cưới theo nếp sống văn minh được tổ chức, đám cưới không thuốc lá, lễ vật không cầu kỳ, chỉ diễn ra một ngày với số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người… đang được nhiều gia đình thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và dần duy trì thành nề nếp.
Trong những năm qua quy ước cưới đã đang từng bước phát huy tác dụng góp phần làm lành mạnh trong tổ chức cưới ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt.
Tại huyện Phú Xuyên, đối với việc cưới, Huyện đoàn đã phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai xây dựng mô hình và tổ chức các đám cưới theo mô hình “5 không”. Các đoàn thể đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn, xóm, làm cho mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ nội dung của các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp, các ngành; nắm tình hình chủ động trực tiếp gặp gỡ các gia đình, các đôi nam nữ chuẩn bị tổ chức đám cưới để vận động, tuyên truyền việc thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm. 100% số đám cưới thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình với các nghi lễ được tổ chức trang trọng, thủ tục đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo vui tươi, phấn khởi, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương. Trong đám cưới không còn hiện tượng đem thuốc lá mời khách, hạn chế tình trạng uống rượu say gây rối trật tự.
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên, công chức khi tổ chức lễ cưới của bản thân hoặc con đều báo cáo với thủ trưởng cơ quan, chi bộ về thời gian, hình thức tổ chức, số lượng khách mời… không lợi dụng việc cưới để nhận quà biếu, không sử dụng công quỹ cơ quan làm quà mừng. Đám cưới của cán bộ, đảng viên tiến bộ hơn những năm trước, nhiều đám cưới mời khách có chọn lọc, không mời vào giờ làm việc… Các lễ nghi theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức giản tiện, trang phục cô dâu, chú rể theo truyền thống dân tộc được đôi bạn trẻ khôi phục, mang đậm bản sắc dân tộc. Không có hiện tượng tảo hôn, thách cưới, phô trương hình thức. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã nêu cao tính tiền phong, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh.
Tại quận Hà Đông đã duy trì tốt mô hình cưới từ 40 đến 50 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người), không mời thuốc lá, không bắc rạp dài quá 15m, không mở loa đài công suất lớn trước 5h và sau 22h. Cán bộ, đảng viên không sử dụng xe công đi ăn cưới, phục vụ đám cưới. Quận Ba Đình, Hoàng Mai, thị xã Sơn Tây, huyện Ứng Hòa… đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức được nhiều đám cưới tập thể cho thanh niên.
Tại Đan Phượng, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện khuyến khích hội viên tổ chức “đám cưới điểm” theo tinh thần Chỉ thị 11. Các gia đình tổ chức “đám cưới điểm” nhận được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ từ lúc chuẩn bị đến khi tổ chức. Mô hình “đám cưới điểm” ở huyện Đan Phượng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2013, toàn huyện Đan Phượng chỉ có hơn 10 “đám cưới điểm”, nhưng đến nay đã tăng lên hơn 1.000 đám.
Để khuyến khích người dân tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, xã Đại Thắng (Phú Xuyên) tặng mỗi gia đình theo hình thức này 500 nghìn đồng. Ngược lại, gia đình nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt tiền. Xã Hồng Dương (Thanh Oai) và nhiều xã khác ở khu vực ngoại thành đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp uyên ương…
Thực tế cho thấy, những đôi trẻ thực hiện mô hình cưới văn minh ngày càng nhiều. Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội” sau gần 5 năm đi vào đời sống được đánh giá đã có những bước định hình, dần lan tỏa.
Sở VH&TT Hà Nội hằng năm đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra thực tế, cho biết, việc đẩy mạnh tổ chức cưới theo nếp sống mới đã và đang hình thành nên những mô hình tích cực, được nhân dân hưởng ứng, nhân rộng. Theo thống kê, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã thành lập ban vận động tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh. Nhiều nơi xây dựng nghị quyết chuyên đề về việc cưới; tại nhiều chi bộ Đảng, đảng viên ký cam kết sẽ tổ chức cưới theo mô hình nếp sống mới…
Phương thức hoạt động của các ban vận động là đến từng gia đình chuẩn bị tổ chức đám cưới để thăm hỏi, vận động việc tổ chức theo mô hình nếp sống mới. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh hình thức tuyên dương đối với các cá nhân, gia đình nghiêm túc thực hiện; nhắc nhở hoặc phê bình đối với các vi phạm, tổ chức cưới dềnh dang, phô trương, lãng phí. Những tiệc cưới vui tươi, trang trọng, tiết kiệm với lượng khách mời không quá 300 người ngày càng nhiều hơn. Những đám cưới tổ chức tiệc nhiều lần, mời khách ăn cỗ trong giờ làm việc… cũng giảm rõ rệt.
Tuy vậy, hình thức tổ chức các đám cưới tiệc ngọt, tiệc trà, cưới tập thể… đã diễn ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, nhưng mới chỉ mang tính thí điểm. Về bản chất, những hình thức cưới này vẫn chưa được quan tâm duy trì, nhân rộng, chưa thực sự trở thành nếp tự giác của người dân.
Trong tháng 10/2017, Hà Nội sẽ tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11. Việc tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình cưới văn minh, tiết kiệm vẫn là hướng đi quan trọng trong thời gian tới.
PV (Tổng hợp)
Ảnh: Internet
Theo MaskOnline