Lễ hội

Tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại di tích Chùa Hương trước ngày mở cửa trở lại

Ngày 11/3, Đoàn Kiểm tra liên ngành công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch COVID-19, cũng như các điều kiện đón khách tham quan khi mở cửa trở lại tại Khu di tích danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương), huyện Mỹ Đức.

Đoàn kiểm tra làm việc về công tác phòng chống dịch tại di tích.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Du lịch và Ban Tôn giáo thành phố đã làm việc với UBND huyện Mỹ Đức, Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn cùng các bên liên quan về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại di tích Chùa Hương, cùng như các phương án đảm bảo an toàn cho khách thập phương về trẩy hội ngay khi di tích mở cửa trở lại.

Xác định đây là di tích có không gian rộng lớn, nhiều cửa ngõ ra vào, khi mở cửa trở lại sẽ đón lượng lớn du khách thập phương đến tham quan, lễ Phật, do đó nguy cơ xuất hiện dịch bệnh là rất cao. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như công tác chuẩn bị các điều kiện khác đã được Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương thực hiện nghiêm túc. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành.

Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương phát biểu tại buổi làm việc.

Theo ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương cho biết: Từ ngày 12/3, huyện Mỹ Đức sẽ ra quân triển khai các phương án tổ chức, quản lý lễ hội Chùa Hương, trong đó đặc biệt chú trọng vào phòng chống dịch COVID-19. Từ các ban ngành huyện Mỹ Đức, xã Hương Sơn, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hương Sơn đều chốt giữ đúng các vị trí đã được phân công. Công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện chặt chẽ ngay tại 3 cửa ngõ dẫn vào khu vực di tích, đo thân nhiệt cho du khách, yêu cầu khách đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế bằng mã QR code hoặc qua tờ khai… Cũng theo ông Đặng Văn Cảnh, cabin cáp treo, thuyền đò được yêu cầu giảm số người vận chuyển. Các điểm di tích có lực lượng hướng dẫn thực hiện các quy định về thời gian, cách thức hành lễ, bảo đảm khẩu trang, khoảng cách… Trong trường hợp phát hiện ca nghi ngờ, chủ động tiến hành cách ly y tế tại 02 lều cách ly đã được bố trí sẵn, đồng thời có phương án chi tiết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp này.

Đoàn kiểm tra lưu ý cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người dân và du khách.
Ngoài khai báo qua mã QR code, Đoàn cũng yêu cầu triển khai các bàn khai báo y tế cho những người không sử dụng điện thoại thông minh.

Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra các dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, nhắc nhở việc thường xuyên khử khuẩn; bố trí bàn để dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào quán; tổ chức đặt để bàn ăn giãn cách, có vách chắn, thu thập thông tin khách lưu trú… Các điểm di tích có lực lượng hướng dẫn thực hiện các quy định về thời gian, cách thức hành lễ, bảo đảm khẩu trang, khoảng cách…

Ban tổ chức cũng đã cho lắp dựng các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về lễ hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trên khu vực suối Yến, người dân bắt đầu chuyển xuồng đò đến, thực hiện công tác vệ sinh để đưa đón khách trong ngày mở cửa. Một số hộ kinh doanh đang tiến hành vận chuyển hàng hoá vào các gian hàng. Hàng quán trong khu vực di tích vẫn còn quây kín, chỉ số ít hộ kinh doanh mở cửa để vệ sinh, lau dọn, xếp đặt hàng hóa.

Các chủ đò làm công tác vệ sinh chuẩn bị cho ngày mở cửa trở lại.

Tại buổi kiểm tra, Đoàn Kiểm tra đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc của Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ về dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho địa phương và du khách. Đoàn kiểm tra yêu cầu tiếp tục rà soát phương án, triển khai cụ thể, đồng bộ trong đó áp dụng phương án diễn tập trong quốc phòng vào công tác triển khai lễ hội, để chủ động giải pháp xử lý các tình huống phát sinh. Đoàn cũng đề nghị Ban tổ chức thống nhất nội dung, hình thức tuyên truyền trong toàn bộ khu vực di tích, để đồng bộ và tăng hiệu quả nhận diện. Mặt khác, giảm thời gian hành lễ, giản tiện các khóa lễ, chuẩn bị bàn khai báo y tế phục vụ bộ phận khách không có thiết bị điện thoại thông minh. Ban tổ chức cũng cần xử lý mái che mái vẩy ảnh hưởng đến không gian di tích; xử lý tiếng ồn trong các quán, hàng trong khu vực di tích.

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc.

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất bên cạnh những chốt kiểm dịch chính ở các cửa ngõ, cần có các chốt ở bến đò, đền Trình, khu vực soát vé, cáp treo, khu vực nhà hàng, chốt lưu động trên suối Yến. Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương cũng cần có kế hoạch chi tiết hơn trong công tác phòng chống dịch ở từng khâu; giao trách nhiệm cho từng bộ phận, cá nhân để tăng tính trách nhiệm để hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng chống dịch, để mang đến cho du khách thập phương một mùa lễ hội “An toàn, văn minh, thân thiện”.

Nhật Long

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *