Ngày 30/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thành phố Hà Nội.
Tại huyện Phúc Thọ, công tác xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa cơ sở”, “Thôn Văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện với nhiều đổi mới. Do đó, từ năm 2018, số hộ dân cư được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” tăng từ 87.2% lên 93,6% vào năm 2023. Số làng (thôn) được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” là 63/84 đạt 75% năm 2018 lên 128/157 thôn (đạt 81,5%) vào năm 2023; 6/6 tổ đạt tổ dân phố văn hoá năm 2023.
Để đạt được kết quả đó bởi đã có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, tạo ra sức mạnh, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và Nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức tại cơ sở tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, đẩy lùi các tai tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hoạt động thông tin tuyên truyền được tổ chức đa dạng, nhiều hình thức, nội dung phong phú, phản ánh chủ trương, đường lối, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương trên địa bàn huyện đảm bảo thông tin được tuyên truyền kịp thời, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của Nhân dân trên địa bàn huyện.
Phong trào thực sự đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Các thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị cơ bản thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị. Công tác xã hội hoá văn hoá – thể thao được toàn xã hội quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở khu dân cư gắn với việc xây dựng “xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tích cực vận động Nhân dân phát huy nội lực, chung tay cùng chính quyền các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn tại địa phương. Lồng ghép hiệu quả các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng gia đình, khu dân cư theo hướng tiêu chí “tiêu biểu”…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra chất lượng xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa và các mô hình văn hóa mới chưa đồng đều; công tác tuyên truyền tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa thực sự nổi bật. Chưa xây dựng được nhiều mô hình điểm hoạt động có chất lượng để nhân ra diện rộng; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hưởng ứng phong trào; công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở chưa thường xuyên, liên tục. Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn khó khăn: nhân lực ít, kinh phí đầu tư cho hoạt động phong trào hạn chế, một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của Nhân dân.
Góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, bà Nguyễn Thị Lựu – Công chức văn hóa xã hội xã Phụng Thượng cho rằng Tiêu chuẩn quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường thị trấn tiêu biểu” các mục nội dung đầy đủ rất thuận lợi cho cơ sở trong việc bình xét. Đảm bảo công khai, dân chủ từ đó nâng cao trách nhiệm của của các cấp ủy đảng, chính quyền và ý thức của người dân trong việc xây dựng các danh hiệu văn hóa. Tuy nhiên, với danh hiệu “Xã, phường thị trấn tiêu biểu”, các xã, thị trấn tại huyện Phúc Thọ đa số là thuần nông và một số xã đã về đích Nông thôn mới nâng cao, nhưng vẫn còn một số xã đang trong giai hoàn thiện, nên để đạt được đầy đủ các tiêu chí là khó khăn như tiêu chuẩn có trung Tâm văn hóa thể thao, hiện tại các xã chưa có mặc dù đã có trong quy hoạch… Do đó, để đạt được “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” cần sự cố gắng của cả hệ thống chính trị từ xã xuống cơ sở và sự tập trung đoàn kết của Nhân dân.
Hội nghị đã nghe 14 ý kiến đóng góp vào dự thảo tiêu chí xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” từ cán bộ văn hóa, bí thư, tổ trưởng, trưởng ban mặt trận các thôn/tổ dân phố thôn của 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ về nội dung tiêu chí và điểm chấm chi tiết, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí, nội dung phù hợp với quá trình triển khai thực tế tại cơ sở. Các ý kiến đã được Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn chi tiết, cụ thể phục vụ công tác bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường thị trấn tiêu biểu” đảm bảo sát với thực tiễn, phù hợp với đặc thù của các địa phương.
PV