Thư viện

Tiếp tục triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản 1820/BVHTTDL-TV gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đề án nhằm lan tỏa văn hóa đọc, các giá trị chân thiện mỹ được trao truyền.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 3471/VPCP-KGVX ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đơn vị trên phối hợp, triển khai xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó xác định lộ trình, chỉ tiêu, nguồn lực cho các hoạt động nhằm xây dựng môi trường đọc thuận lợi trên cơ sở: kiện toàn, củng cố mạng lưới thư viện, nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc đã được xây dựng; đổi mới hoạt động thư viện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến xây dựng kỹ năng thông tin cho người sử dụng, đặc biệt gắn với việc chuyển đổi số; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho phát triển văn hóa đọc.
Ngoài ra, để thuận lợi trong việc phối hợp chỉ đạo triển khai thực Đề án, Bộ đề nghị các đơn vị phân công 01 tổ chức trực thuộc làm đầu mối triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo tại Bộ, ngành và địa phương; định kỳ hằng năm có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, qua hơn 3 năm triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, các thư viện trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích, giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Cùng với ngành thư viện, ngành xuất bản đã có những đổi mới và phát triển. Hình thức và nội dung, số lượng xuất bản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Các thư viện trong cả nước triển khai đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ, cải cách thủ tục và hoạt động cấp thẻ thư viện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đáp ứng với các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và xu thế phát triển.
Qua việc triển khai Đề án, người dân Việt Nam đã có thêm cơ hội tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức. Từ đó lan tỏa văn hóa đọc, các giá trị chân thiện mỹ sẽ được trao truyền để phát trị trí tuệ, kỹ năng sống và nuôi lớn những tâm hồn, góp phần hình thành con người Việt Nam toàn diện với đức, trí, thể, mĩ. Sự nỗ lực từ những người làm công tác quản lý nhà nước, những người làm công tác thư viện, xuất bản, phát hành và sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, cộng đồng và nhiều tấm lòng nhân ái, văn hóa đọc nước nhà đã phát triển, mục tiêu của Đề án Phát triển văn hóa đọc đã từng bước được thực hiện góp phần nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Kiều Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *